GIỚI THIỆU CÁC NHẠC KHÍ CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU, PACÔ
[ Ngày đăng: 16/06/2017 09:32:48, lượt xem: 1309 ]

 Dân tộc Vân Kiều sống chủ yếu ở xã Hướng Phùng, huyện hướng Hoá. Dân tộc Pa Kô sống chủ yếu ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Nhìn chung hai dân tộc này cư trú chủ yếu dựa theo các triền sông và suối lớn. Có nhiều bản của người Vân Kiều được xây dựng trên các bãi bồi hoặc trên các đồi thấp như Tà Long, Pa Tầng, Mò Ó…(là các vùng nằm hai bên bờ sông Đakrông), xã Xi, xã Thanh, xã Thuận…(là các vùng bên bờ sông Sê Pôn). Người Vân Kiều tự gọi mình là Bru. Có nghĩa là người sống ở núi rừng. Người Tà ôi gọi mình là Pa Kô. Có nghĩa là người sống ở núi cao. Để phân biệt với người Vân Kiều, họ tự gọi mình là người Pa Kô, và gọi người Vân Kiều là Cri-ông-i-đúp (người ở vùng núi thấp hơn).

Người Vân Kiều hay Pa Kô đều ở thành từng bản. Bản Vân Kiều gọi là Vin, bản Pa Kô gọi là Ven. Mỗi Vin hay Ven có từ 30 đến 40 gia đình. Trong một bản thường có nhiều dòng  họ sinh sống, gắn bó với nhau lâu đời. Mối quan hệ giữa các dòng họ trong bản rất mật thiết, bắt nguồn từ sự giúp đỡ nhau trong sản xuất, trong chiến đấu chống kẻ thù và ác thú, trong khi làm nhà ở, khi gặp thiên tai, địch hoạ, đói kém…

Nhà ở trong bản được xây theo lối vây tròn lấy nhau, tuỳ theo địa hình cư trú. Cách sắp xếp vây tròn như vậy tạo thành như một tổ chim vây quanh, che chở cho nhau, không theo một hướng nhất định. Trong bản, người cùng dòng họ thường làm nhà ở gần nhau thành một dãy, một khu. Người Pa Kô thì tất cả những người thân trong dòng tộc đều sống cộng đồng liên hoàn trong một ngôi nhà sàn dài (gọi là nhà dài). Họ phân định bếp ăn theo từng hộ một và mỗi hộ được ngăn cho một gian riêng. Tuy có ngăn như vậy nhưng vẫn có lối đi suốt từ đầu đến cuối “đung”. Nếu có khách thì tất cả các hộ trong “đung” đều đón tiếp chung.

Quảng Trị là ngã ba giao lưu văn hoá: văn hoá Việt, văn hoá Chàm và văn hoá các dân tộc ít người. Nhưng chính ngã ba đó lại tập trung ở chỗ Vân Kiều – Pa Kô bởi sự giao thoa giữa Pa Kô – Chàm và Lào có rất nhiều nét tương đồng mà ngày nay khó có thể phân biệt rõ ràng. Ngoài cách ăn mặc, nhà ở và đời sống sinh hoạt thì tiếng khèn bè của người Pa Kô, Vân Kiều cũng mang nhiều nét của Lào. Có những làn điệu dân ca, dân vũ là một sự biến tấu từ dân ca các bộ tộc Lào…nhưng lại được biến hoá thành cái riêng của dân tộc Pa Kô…vv

Người Vân Kiều – Pa Kô ngoài việc lo cơm gạo, họ cũng cần âm thanh của núi rừng trong tâm hồn của họ để hoà mình với thiên nhiên, là động lực giúp họ hăng say lao động hơn. Các nhạc cụ tuy chưa phong phú về số lượng, và còn khá thô sơ trong kỹ nghệ chế tác, nhưng những nhạc cụ ấy đã giúp cho một tộc người rung cảm chân thành, tạo cho họ có một sức mạnh trường tồn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

1. Chiêng: Là nhạc khí thiêng, chủ công trong các lễ hội, chất liệu bằng đồng, đường kính 45cm, dùng trong lễ hội như Thanh la.

2. Thanh la: Là nhạc khí thiêng như chiêng, chất liệu bằng đồng, đường kính 40cm, dùng trong lễ hội như: lễ đâm trâu, lễ cúng trời đất, đám ma, cưới hỏi. Sau này phát triển trong việc giao lưu văn nghệ. Nếu đánh ở nhà thì chỉ đánh riêng, không được đánh cùng với chiêng và trống.

3. Trống: Được làm bằng gỗ khoét bung, bịp 2 đầu bằng da trâu, bò. Thân trống dài khoảng 40cm, đường kính mặt trống khoảng 30cm. Trống dùng trong lễ hội, đám ma… sau này cũng sử dụng để giao lưu văn nghệ.

4. Tù và: được làm bằng sừng trâu, mang ý nghĩa thiêng liêng. Tù và được sử dụng trong nghi lễ trọng đại của cộng đồng và là nhạc trưởng trong tất cả các loại nhạc cụ truyền thống. Chỉ trưởng bản, già làng mới được thổi. Trước khi sử dụng phải có lễ cúng (nếu không có trâu, bò thì thường là một con dê hay một con lợn con) không dùng bừa bãi.

5. Đàn Ta Lư (còn goi là Tinh Tông): Đàn của Pa Kô có 2 đây, Vân Kiều có 3 dây, 2 dây trên đồng âm cách dây dưới một quãng 5 đúng. Đàn được làm từ thân cây mớt, khoét rỗng, kích thước của thùng đàn và cần đàn to nhỏ tuỳ thuộc vào người làm. Dây đàn cũng làm bằng dây Tờ roa. Đàn Ta Lư chỉ mới xuất hiện trong chiến tranh chống Mỹ.

6. Đàn Toong: loại nhạc cụ được tạo thành từ 7 hoặc 9 thanh gỗ có độ dài khác nhau. Loại gỗ tạo được âm thanh này có tên là x ting, được lấy từ rừng sâu, kết lại với nhau theo điệu thức ngũ cung, được làm bằng bàn tay người phụ nữ. Loại nhạc cụ này dùng xua đuổi thú rừng và là tín hiệu mời gọi các chàng trai đến tìm hiểu các cô gái.

7. Đàn A Tốc: Được làm từ 7 hoặc 9 ống  tre có độ dài khác nhau kết thành theo thang âm ngũ cung. Loại nhạc cụ này Xua đuổi thú rừng, kết hợp với đàn Toong tạo nên âm thanh vui nhộn trong các cuộc giao hòa giữa thanh niên Nam và Nữ.

8. Xập xõa:  Được chế tác từ 2 tấm đồng, hoặc nhôm, sắt, nối với nhau bằng một sợi dây, có đường kính khoảng 12 đến 15cm. Nhạc cụ này làm nhạc đệm trong giao lưu văn nghệ, tạo được không khí nhộn nhịp, nhạc cụ này dùng hầu hết trong lễ hội cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, phụ họa hỗ trợ trong múa hát tập thể.

9. Tà Ngạt: Thân làm bằng cây tre, dài 2 mét, được gắn hình chim thú, tạo được âm thanh sôi động, nhạc cụ này dùng để phụ họa trong hát múa tập thể của cộng đồng.

10. Đàn A Bel: Được làm bằng tre, dài khoảng 40cm bằng tre ala. Đàn có một dây làm bằng dây đoát, từ sợi dây đoát (đã cột buộc chặt vào thân đàn) có nối thêm một sợi dây đay, đầu sợi dây có gắn vỏ trút (nếu không có vỏ trút thì thay bằng một miếng nhựa cứng) ngậm vào miệng để tạo âm thanh. Vĩ kéo bằng một thanh tre nhỏ, bôi nhựa thông để tạo ma sát khi kéo. Dùng để hát đối đáp, trao đổi ý kiến với nhau.

11. Đàn Pa Lúa: Đây là lại nhạc cụ (như đàn nhị của đồng bằng) Làm bằng ống tre lồ ô, người Vân Kiều gọi là aho, dài khoảng 40 cm. Tiền thân đàn có 2 dây, cách nhau một quãng 2 trưởng, dây đàn là một loại dây rừng rất bền có tên là tờ roa. Vĩ kéo là một thanh nứa nhỏ, dùng nhựa thông để tạo ma sát khi kéo. Sau này họ phát triển thêm dây tuỳ theo khả năng diễn tấu của người chơi và thay bằng dây sắt, đàn dùng trong hát giao duyện, tế lễ.

12. Khèn Bè: Gồm 14 ống nứa được xếp lại thành 7 cặp có độ dài khác nhau, lỗ thoát hơi được làm ở giữa thân ống, âm thanh độc đáo, khèn được sử dụng trong lễ hội lớn của cộng đồng, lễ hội có đâm trâu. Nó được sử dụng như là bè đệm cho các nhạc khí khác.

13. Sáo khui: (Khlui) Làm bằng ống  tre rừng  có tên là Alia, dài 60 cm, trên thân sáo có 4 lỗ chính.  Loại nhạc cụ này dùng cho người già, người cô đơn và được sử dụng cho hát xà nớt,  trong các nghi lễ tâm linh. ( lễ gọi hồn)

14. Sáo Pi: Được làm băng ống nứa: dài 50 đến 80 cm. Thân sáo có 4 lỗ ở mặt trên và một lỗ ở mặt dưới. Loại nhạc cụ này được mọi đối tượng sử dụng, sử dụng trong hát giao duyên, đối đáp và lễ cúng cầu hồn.

15. Sáo A mam: Là một loại sáo, thân được làm bằng cây Arêng, thổi dọc,  dài 40 cm, có lưỡi gà ở một đầu, cuối ống có 3 lỗ bấm, dùng trong hát múa giao duyên, trai gái tỏ tình.

16. Ti Rel: (người Vân Kiều gọi là Tarinh) Làm bằng ống hóp, thân sáo có 3 lỗ trên và một lỗ dưới dài 20 cm là món quà nam nữ tặng cho nhau làm kỷ vật đính ước.

17. Ưng Công: (đàn môi) làm bằng tre, vót mỏng, ở giữa khoét thành lưỡi gà. Người chơi cắn vào răng, dùng tay bật và dùng môi để điều chỉnh âm thanh. Dài 25 cm, dùng cho đàn ông và sử dụng trong các nghi lễ tâm linh, chia buồn tình cảm.

18. Tro: (Vân Kiều gọi là A chung) có 2 dây được tách ra từ vỏ của thân đàn và căng lên bằng một phím nhựa, thân đàn dài 30 cm, giữa khoét 1 lỗ tạo âm, đàn này chỉ dùng cho những người lớn tuổi tâm tình cùng nhau.

 

Tin nổi bật

Hình Ảnh

Thống kê

Lượt truy cập:7163563
Đang online:41

Video

Liên kết