25 NĂM NC&PT

     TRƯỜNG CĐSP QUẢNG TRỊ

     

 

 CHẶNG ĐƯỜNG ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

TS. Lê Quốc Hải – Phó Hiệu trưởng

 

      Tháng 4 năm 2022 là dấu mốc đáng nhớ trên hành trình 25 năm nâng cấp và phát triển của trường CĐSP Quảng Trị. 25 năm trôi qua, nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn để có những bước tiến dài trong sự nghiệp đào tạo. Từ mái trường này,  đã có lớp lớp những thế hệ giáo viên được đào tạo và tốt nghiệp, hiện đang là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục tỉnh nhà, nhiều cựu sinh viên bây giờ đã là CBQL trong các nhà trường và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Năm năm trước – đúng dịp kỷ niệm 20 năm nâng cấp và phát triển (ngày 17/4/2017) đã đánh dấu một chặng đường huy hoàng của nhà trường nhưng cũng mở ra một thời kỳ hết sức khó khăn. Trong năm năm qua, từ 2017 đến 2022, giai đoạn thực hiện những quy định mới của ngành giáo dục. Trong đó Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục Đại học 2018 có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến hệ thống các trường CĐSP, đã đẩy các trường CĐSP vào tình thế khó khăn chưa từng có. Khó khăn lớn nhất là số lượng sinh viên ngày càng giảm kéo theo ngân sách chi cho hoạt động đào tạo bị cắt giảm, nhiều giảng viên không đủ giờ dạy, ... Nhưng bằng nghị lực vượt khó, sự năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; quyết liệt trong hành động, Ban Giám hiệu (BGH) của trường CĐSP Quảng Trị đã cùng tập thể CBQL, CBGV từng bước vượt qua khó khăn để dẫn dắt nhà trường có những bước phát triển mới. Thành quả có được hôm nay là kết quả của sự tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của tập thể CBGV nhà trường.

1.      Đổi mới về tư duy và phương pháp tiếp cận

Đứng trước những khó khăn, thách thức của sự suy yếu của hệ thống các trường CĐSP, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định không thể cứ mãi trông chờ hoàn toàn vào sự sắp xếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mà phải chủ động tìm những hướng đi riêng để “tự cứu lấy mình”, tìm cơ hội phát triển cho nhà trường. Yêu cầu đặt ra là trước hết cần phải tìm được giải pháp để tạo ra công ăn, việc làm cho CBGV duy trì hoạt động nhưng không làm phá vỡ mô hình của trường CĐSP Quảng Trị; kế đến là tìm cơ hội để phát triển trường thành một trường Đại học. Mọi giải pháp đặt ra đều phải tính đến tính khả thi và bền vững của nó.

Về chiến lược lâu dài, BGH nhà trường xác định mục tiêu phát triển trường Đại học Quảng Trị là mục tiêu lâu dài và bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này, nhiều mô hình đã được đặt ra như sáp nhập với Phân hiệu Đại học Huế để trở thành trường Đại học Kỹ thuật Quảng Trị, liên kết để trở thành vệ tinh hoặc cơ sở 2 của một trường đại học sư phạm trọng điểm trong nhóm ETEP, … Một trong những giải pháp đã được phân tích và đánh giá là có tính khả thi cao là liên kết với trường Đại học Duy Tân để tổ chức lại trường CĐSP Quảng Trị để trở thành trường Đại học Duy Tân Quảng Trị với định hướng lấy đào tạo một số ngành mũi nhọn hiện nay của ĐH Duy Tân làm trọng tâm kết hợp phát triển đào tạo sư phạm ở trình độ Đại học, với phạm vi tuyển sinh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Tuy nhiên, do những yêu cầu đặt ra theo Đề án sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm của Bộ GD&ĐT nên việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các trường CĐSP, trong đó có trường CĐSP Quảng Trị phải tạm thời dừng lại, chờ kết quả của Đề án.

Trong bối cảnh chưa thể xây dựng được trường Đại học Quảng Trị, BGH nhà trường xác định cần phải có giải pháp để tháo gỡ khó khăn hiện tại nhằm giải quyết việc làm cho đội ngũ CBGV, đảm bảo các quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Với mục tiêu đó, ý tưởng phát triển một trường phổ thông trực thuộc trường CĐSP Quảng Trị được ra đời. Trường PTLC được mở ra sẽ giải quyết được các vấn đề về việc làm, đồng thời góp phần duy trì hoạt động của trường CĐSP trong khi chờ đợi Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, với điều kiện CSVC hiện có và năng lực của đội ngũ CBGV, trường PTLC hứa hẹn là sẽ đóng góp tích cực vào chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.Trường CĐSP Quảng Trị đã khẩn trương xây dựng Đề án thành lập trường PTLC trình UBND Tỉnh. Sau khi tổ chức hội thảo góp ý và thẩm định đề án của các Sở, Ban, Ngành liên quan, ngày 12/11/2019, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký Quyết định số 3099/QĐ-UBND thành lập trường PTLC trực thuộc trường CĐSP Quảng Trị. Theo đó, trường PTLC được tổ chức hoạt động giáo dục cho các cấp học Tiểu học, THCS và THPT. Năm học 2020-2021, trường PTLC đi vào hoạt động mang theo những hy vọng cho một hướng đi ổn định, vững chắc của trường CĐSP Quảng Trị.

Ảnh: Quang cảnh trường PTLC

2.      Đổi mới về mô hình tổ chức hoạt động

Trường PTLC đi vào hoạt động đã giải quyết được việc làm của nhiều CBGV nhưng cũng đặt ra thách thức là làm sao để đảm bảo cân đối nguồn lực lao động, duy trì mô hình hoạt động của trường CĐSP Quảng Trị, đón đầu cho Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm của Bộ GD&ĐT trong tương lai. Để thực hiện được mục tiêu này, BGH nhà trường xác định phải tổ chức song song hai mô hình: vừa phải tập trung nguồn lực để phát triển trường PTLC còn non trẻ nhưng cũng vừa mở rộng các mô hình đào tạo, bồi dưỡng, liên thông, liên kết để duy trì mô hình phát triển của trường CĐSP Quảng Trị. Theo đó, nhà trường đã cân đối và điều chuyển 27 CBGV sang định biên và làm nhiệm vụ tại trường PTLC, đồng thời cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy của trường CĐSP Quảng Trị từ 18 đơn vị thành 10 đơn vị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Song song với tổ chức hoạt động giáo dục phổ thông và đào tạo chính quy, nhà trường đã mở rộng nhiều mô hình bồi dưỡng và liên kết đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương, điển hình như: liên kết đào tạo trình độ Đại học để nâng chuẩn trình độ giáo viên; liên kết với các trường Đại học đào tạo văn bằng 2 cho CBCC các địa phương; phối hợp với Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT các huyện, sở Nội vụ để tổ chức bồi dưỡng CBQL giáo dục, bồi dưỡng chuẩn nghề nghiệp và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, CB CCVC trên địa bàn tỉnh; phối hợp với trường CĐ Y tế và trường Chính trị Lê Duẩn để đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, …

Hiện nay, mô hình hoạt động của trường CĐSP Quảng Trị đã định hình rõ thành ba khối chính, gồm: khối giáo dục phổ thông ở trường PTLC gồm các cấp học Tiểu học, THCS và THPT; khối đào tạo chính quy giáo viên Mầm non trình độ Cao đẳng; khối liên kết đào tạo văn bằng 2, liên thông trình độ Đại học và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi khối giáo dục và đào tạo đang phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình để tạo ra thế chân vạc vững chắc cho nhà trường ổn định và phát triển.

Ảnh: Lễ trao bằng tốt nghiệp khối CĐ chính quy hoặc ĐH liên thông

3.      Đổi mới về chương trình và phương pháp tổ chức dạy học

Bên cạnh việc đổi mới về mô hình đào tạo thì cập nhật và đổi mới chương trình đáp ứng yêu cầu mới của ngành giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng là hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo luôn được nhà trường hết sức quan tâm. Hàng năm, căn cứ trên các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là dựa vào thực tiễn đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục ở trường Mầm non, Phổ thông, nhà trường tiến hành điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo. Nhờ đó, chương trình đào tạo của trường luôn phù hợp, sát với thực tế ở cơ sở. Một trong những nội dung được ưu tiên thực hiện khi điều chỉnh chương trình là tăng cường thời lượng cho hoạt động thực tế, thực hành tại cơ sở giáo dục khi học tập các môn phương pháp; đẩy mạnh thực tập sư phạm giữa khóa và cuối khóa…Năm học 2020-2021, trường đã hoàn thành nhiệm vụ tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Cao đẳng giáo dục Mầm non và đã được Bộ GD&ĐT công nhận kết quả. Nhờ vào việc điều chỉnh chương trình đào tạo một cách hợp lý mà sinh viên trường CĐSP Quảng Trị luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ thực hành, thực tế và thực tập sư phạm, được các cơ sở giáo dục đánh giá cao.

Chương trình giáo dục tại trường PTLC được nhà trường chú trọng phát triển ngay từ ngày đầu tiên chuẩn bị thành lập. Hội đồng sư phạm của trường đã tiến hành xây dựng và thẩm định 35 chương trình giáo dục bổ trợ để phát triển năng lực, phẩm chất và năng khiếu cho học sinh. Từ chương trình giáo dục bổ trợ, trong 2 năm qua, GV của trường đã biên soạn 35 bộ tài liệu dùng cho GV và HS phục vụ giảng dạy, học tập. Những bộ chương trình và tài liệu này là trí tuệ, tâm huyết của GV trường CĐSP Quảng Trị,tạo ra sự khác biệt và thương hiệu của trường PTLCmà ít có trường phổ thông nào có được.

Đổi mới phương pháp dạy học là hoạt động thường xuyên của GV, được nhà trường và các đơn vị quản lý chuyên môn hết sức quan tâm. Đối với đào tạo trình độ Cao đẳng, hệ thống các phương pháp dạy học phát huy tính tự chủ của người học được các GV vận dụng hiệu quả; đặc biệt là trong bối cảnh vừa dạy học vừa chống dịch, hệ thống Trung tâm học tập trực tuyến và phương pháp dạy học qua các nền tảng số được GV vận dụng một cách thuần thục, hiệu quả.Với bề dày kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên, các GV của trường đã nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và vận dụng những phương pháp dạy học hiện đại phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh ở trường PTLC. Những lợi thế về đội ngũ và CSVC của trường CĐSP cũng được vận dụng triệt để vào việc đẩy mạnh  dạy học STEAM, STEM của cả đào tạo ở khối Cao đẳng, Đại học và giáo dục ở trường PTLC, tạo cho HSSV một cách tiếp cận mới, hứng thú và hăng say hơn trong học tập.

Ảnh: Một buổi thực hành máy tính của HSSV

4.      Thành quả của quá trình đổi mới

Chặng đường 5 năm của sự đổi mới để đi lên đã chứng minh được sự năng động, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của tập thể CBQL, CBGV đã tạo ra một hướng đi đúng và nhiều triển vọng. Trường CĐSP Quảng Trị đã dần đi vào ổn định và sẽ tiếp tục phát triển. Sau 2 năm thực hiện giáo dục phổ thông, trường PTLC hiện nay có 11 lớp với 333 học sinh các khối 6, 7, 10, 11. Dự kiến năm học 2022-2023 trường PTLC sẽ tuyển sinh 7 đến 9 lớp, khoảng 250 đến 270 học sinh, đưa quy mô của trường PTLC lên 600 học sinh.Các hướng giáo dục mũi nhọn, giáo dục buổi 2 dần đi vào ổn định; lớp học chất lượng cao được hình thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.Sau 5 năm tập trung mở rộng mô hình, nâng cao chất lượng, công tác đào tạo bồi dưỡng của nhà trường đã có những bước chuyển biến mới. Trong 5 năm trường CĐSP Quảng Trị đã đào tạo được 815 sinh viên chính quy, gần 500 học viên liên thông và đào tạo văn bằng 2 trình độ Đại học, trên 2000 lượt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học. Năm học 2021-2022, với việc áp dụng Nghị định 116/NĐ-CP về hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, tuyển sinh chính quy ngành cao đẳng giáo dục Mầm non có nhiều khởi sắc, đạt 95/100 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, trường đã phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT và ĐHSP Huế để xây dựng Kế hoạch đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71/NĐ-CP và bồi dưỡng liên môn cho giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông 2018. Đến nay đã có 75 giáo viên Tiểu học và Mầm non đang được đào tạo nâng chuẩn; dự kiến từ năm 2022 đến 2025 sẽ tổ chức bồi dưỡng cho 943 giáo viên dạy liên môn các môn Tin học-Công nghệ, KHTN và Lịch sử-Địa lý.

Nhìn lại chặng đường đã qua để có thêm niềm tin và nghị lực cho những bước đi tiếp theo. Dẫu biết rằng phía trước có thể còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng sự nỗ lực, năng động, sáng tạo và đổi mới của cả tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, hy vọng rằng trong tương lai,trường CĐSP Quảng Trị sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong tình hình mới.

 

Đông Hà, tháng 4/2022