"Đánh ghen"- Tranh dân gian Đông Hồ
[ Ngày đăng: 16/05/2016 21:42:12, lượt xem: 5648 ]

Quan hệ gia đình là một trong những đề tài được phản ánh trong tranh khá sâu sắc và dí dỏm. Dưới chế độ phong kiến người đàn ông được phép lấy “năm thê, bảy thiếp”, chế độ đa thê này đã sinh ra những mâu thuẫn gia đình không tránh khỏi. “Đánh ghen” là bức tranh dân gian Đông Hồ tiêu biểu thuộc mảng đề tài này.

 

 


Quan hệ gia đình là một trong những đề tài được phản ánh trong tranh khá sâu sắc và dí dỏm. Dưới chế độ phong kiến người đàn ông được phép lấy “năm thê, bảy thiếp”, chế độ đa thê này đã sinh ra những mâu thuẫn gia đình không tránh khỏi. “Đánh ghen”bức tranh dân gian Đông Hồ tiêu biểu thuộc mảng đề tài này.

Với chất liệu giấy dó của đồng quê, với những màu sắc tươi sáng được làm từ nguyên liệu tự nhiên, với những nét vẽ chạm khắc mộc mạc và tài hoa, người nghệ nhân Đông Hồ đã tạo nên một không gian với các nhân vật vừa đủ để phản ánh một mảng xã hội độc đáo và sống động: gia đình.

Nhân vật tham gia “trận chiến” trong tranh là hai người phụ nữ: một vợ cả, một vợ lẽ và hai người đàn ông: một người chồng, một cậu con trai.

 

Người vợ cả trong tư thế xuống tấn (như một thế võ), tay trái chống vào đùi, tay phải vung lên cao đưa về phía sau, bàn tay cầm chắc cán chiếc kéo to, sắc nhọn, đầu mũi kéo hướng về phía địch thủ để “cắt tóc bôi vôi”. Trang phục của người vợ cả trông thật gọn gàng: tóc búi ngược cài trâm, váy sắn cao, yếm thắt chặt chẽ và kín đáo, rõ ràng chị đã chuẩn bị một cách chu đáo cho trận “quyết chiến” này. Chị là người chủ động trong “trận chiến”. Nếu quan sát kỹ ta có thể thấy trong tư thế “xung trận” chị vợ cả có những nét thể hiện là người phụ nữ gia giáo, còn xuân sắc: đôi cánh tay trần trắng ngà, còn căng chắc, ngực còn nở đầy trong lần yếm nâu non, bao thắt chặt bụng làm tôn thêm cái dáng vóc “thắt đáy lưng ong”. Có thể đoán chị khoảng trên dưới ba chục tuổi, cái tuổi ngày xưa các cụ nhà ta vẫn định kiến là “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Thật ra chị có già đâu, chị vẫn còn “xoan” lắm, còn về đường con cái chị cũng đã sinh được một cậu con trai đang đứng kia, người “nối dõi tông đường” cho nhà chồng. Dưới góc độ “nữ tắc, nữ công”, chị là người toàn vẹn, thế nhưng chị đã bị rơi vào hoàn cảnh cay đắng, chồng đi với vợ lẽ bỏ rơi mình, thử hỏi làm sao mà không tức. Chị cho rằng cái gây nên tội đó là người phụ nữ trẻ kia, “sinh sự thì sự sinh”, không thể để như thế được!

 

“Măng non nấu với gà đồng

Thử chơi một trận xem chồng về ai”.

Cái lý “Đánh ghen” của chị là như vậy.

Còn kia, ta hãy ngắm kỹ người vợ bé, với dáng vẻ và trang phục khá độc đáo: một tấm váy mỏng ngắn đến mức hở cả đùi non, cả phần trên cơ thể của cô ta hoàn toàn để trần, bờ vai xuôi mềm mại, đôi “bầu ngọc” căng tròn, bao thắt trễ dưới rốn để khoe toàn bộ cái bụng trắng như ngà, cố tình thể hiện là mình đang có bầu. Chắc rằng cô ta còn trẻ lắm, chỉ mười tám đôi mươi là cùng. Đảng ở cái độ đào tơ mơn mởn và được sự che đỡ, bênh vực của người chồng, bởi thế cho nên trước đòn thế một mất một còn của người vợ cả, cô ta vẫn vênh mặt lên, thách thức trêu ngươi đưa tóc ra trước lưỡi kéo của người vợ cả:

 

“Trăm quan tiền tốt bó mo

Làm tờ thị chỉ thì cho chuộc chồng”

 

Còn anh chồng thì làm gì trước hai người vợ? Ta thấy cả thân hình vạm vỡ của anh ta che chắn rất kín cho người vợ bé trước đường tiến của vợ cả, tay trái ôm lấy bờ vai trần, lòng bàn tay vẫn không rời khỏi “bầu ngọc” của nàng (trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng mà anh ta vẫn không bỏ được cái “tật” của cánh đàn ông), tay phải đưa ra phía trước nửa như chống đỡ, nửa như phân trần, nét mặt anh ta vừa như tức giận, vừa như van nài:

 

“Thôi thôi bớt giận làm lành

Chi đừng sinh sự, hại mình nhục ta”.

 

 Còn cậu con trai là con vợ cả, trông cũng đã lớn, chứng kiến trận “quyết chiến” giữa mẹ và dì, thấy bố nó như vậy thì nó biết bênh ai? Nó đành chỉ biết chắp tay vái cả mọi người và xin mẹ nó giải hoà tất cả:

 

“Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi

Tam thanh chuyện lạ, mặc thầy tôi với dì”.

 

 

Đánh ghen” là một cảnh bi hài, nó phản ánh mâu thuẫn nội bộ trong nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình quyền quý của xã hội phong kiến Việt Nam.

 

Cho tới ngày nay chế độ đa thê không còn nữa, nhưng tư tưởng “có mới nới cũ”, “tham hoa tiếc ngọc”, thích “của lạ” của cánh đàn ông vẫn còn; sức hấp dẫn của các “mỹ nhân” là một bản chất “giới” tự nhiên, các “đấng quân tử” vẫn còn nhiều khi bị rơi vào cảnh “dùng dằng đi chẳng dứt” thì “Đánh ghen” vẫn có ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc.

 

Tin nổi bật

Hình Ảnh

Thống kê

Lượt truy cập:7191104
Đang online:83

Video

Liên kết