25 NĂM NC&PT

     CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ MẪN

     

 

 

Cô giáo Nguyễn Thị Mẫn là cựu sinh viên khoa Xã hội - Trường CĐSP Quảng Trị. Hiện nay cô là giáo viên trường TH&THCS Hải Sơn

           Website nhà trường xin giới thiệu đến quý bạn đọc một sô sáng tác mới của tác giả nhân kỷ niệm 25 năm nâng cấp và phát triển Trường CĐSP Quảng Trị.

 

ANH NGÀN LẦN MUỐN LÀM RỂ LỚP VĂN

( Yêu thương gửi tặng cô giáo chủ nhiệm Lương Thị Tố Uyên và các bạn lớp Văn- GDCD K4)

 

Anh ngàn lần muốn làm rể lớp văn

Em đẹp lắm Thùy Linh tóc dài nhé

Mắt Diệu Liên tuyệt vời, có lẽ…

Kiều Giang hiền, em lại sống hồn nhiên.

Nguyễn Hạnh, Hồng Linh phải em là nàng tiên?

Anh hóa đá trước nụ cười Ngọc Ánh.

Bởi vẻ đẹp đâu có gì tàn nhẫn

Nên anh tìm Hồng Hạnh, Kiều Trang.

Anh gặp Đào một chiều mưa lang thang

Để đón Trần Nhung về gio Linh thị trấn

Chung đừng trách anh là người lẩn thẩn

Dịu Tình làm anh mê sảng suốt đêm.

Hồng Nhung, Tuyết Nhung anh luôn nhớ tên

Anh mơ sống cùng Thùy Trang, Mỹ Lệ.

Quỳnh Trang, Thu Trang da em trắng thế

Dẫu gió Lào, nắng rát cũng như không.

Anh yêu Hoài Thương khéo tay và anh luôn mong

Được hạnh phúc trong cái nhìn của Lợi

Vội vàng gì đâu Lan Anh em hỡi

Bước chân đều như lướt ván trên sông.

Anh chờ Hoài Thu, Hương Giang cũng bằng không

Em duyên lắm đã có người đưa đón

Khi Trà MyHà Giang nghiêng vành nón

Anh sẽ nhớ nhiều những mỹ nữ lớp Văn.

Mai xa rồi anh lại thấy ăn năn

Sao lại chẳng ngỏ lời yêu Thúy Hiền, Ngọc Bé

Những cô gái nói năng nhỏ nhẹ

Để bây giờ tiếc mãi gọi Chân Nhi

Anh cũng mong còn lại chút gì

Trong ánh mắt Thanh Huyền, Hương Lý

Tiếng em hát sẽ nhớ hoài em nhỉ?

Cẩm Nhung ngọt ngào cất tiếng “Về quê”

Cho anh một lần nắm tay em Mùi nghe!

Đừng đỏ mặt Nguyệt ơi thương em nhiều như thế

Lời thầm hẹn với Thi, An anh về trễ

Hoàng Giang buồn cuối lớp cứ rưng rưng

Ai nói với anh rằng con gái Vĩnh Linh thủy chung

Anh nỏ ngại đường xa lên Cồn Tiên tìm Thúy

Hy vọng gặp Hải Linh ngày cuối tuần về nghỉ

Chuyễn tốc hành hang Cam Lộ có gặp Quyên?

Muốn gặp Nguyễn Oanh anh lại nói Phạm Oanh

Bởi anh sợ Văn Hiền “bí thở:

“Đến mùa thi người ta còn lo bài vở”

Nếu thấy Ngọc Hà anh chẳng dám gọi tên

Lộc hãy ngước nhìn trời mà xem

Ai rủ phượng gọi ve cho hè đến

Chưa kịp nói với em một lời thương mến

Mẫn đừng buồn mà viết dở bài thơ

Sắp hết những chiều Thanh Hà tựa cửa ngẩn ngơ

Thời sinh viên trôi qua  hanh đến thế?

Tháng năm ngắn dài tùy câu chuyện kể

Anh kể về năm “tóc ngắn” lớp Văn

Hoàng cao, gầy. Là lớp trưởng nên hay nhăn

Tâm e thẹn cứ như là con gái

Ai cứ bảo Minh Khai là dại

Thương thì nhiều nhưng nhớ một người thôi

Đức một mình sống ở một nơi

Không rủ nổi Công cho Công về theo với

Để tim này khớp nửa trái tim kia.

Nắng đã hạ vàng và em đã khóc chưa?

Bốn mươi bảy nàng lớp Văn và năm chàng tóc ngắn

Ngày chia xa anh chẳng có gì ngoài lời nhắn

Anh ngàn lần muốn làm rể lớp Văn

 Tháng 4/ 2022

 

 

SINH VIÊN 2K VÀ NHỮNG CHUYỆN Ô LA LA…

          Chúng mình là những sinh viên của năm bản lề thế kỷ, khóa 1999-2021…

 

Cơm! Nhanh đi mua cơm!

Mua cơm là một nghệ thuật và đứa đi mua cơm cũng là một đứa kỹ năng đầy mình nhé. Mua cơm ở căng-tin mà nhè lúc sớm sủa thì cơm mới tinh tươm đầy đủ. Chén canh ngập rau, lâu lâu lấp ló miếng tóp mỡ gợi mề (dạ dày). Để có cơm ngon, đang học, mỗi phòng cử ra một đứa… xin về sớm, hoặc “em đi có tí việc” để đến căng tin mua cơm trước. Cầm cái vá to trong tay, nó chao một cái giữa nồi canh, kéo một mẻ rau, rồi cứ kéo đủ cho cả phòng tám đứa thì sau vài phút nồi canh rau trở thành nồi canh toàn quốc (nước)!  Bữa mô thầy cô gắt quá thì hiểu luôn. Nồi canh to bự chỉ còn lèo phèo một số cọng hành hẩm hiu sót lại. Cơm thì nguôi ngắt nguội ngơ, o Gấm thương lắm thì cho thêm tí củ xào. Hình như nhìn nồi canh o cũng hiểu được “đáy lòng” các cháu sinh viên. Rứa, nhớ lần sau mà đi mua cơm cho sớm nghe!

 

Mất nước.

 Những ngày hè ở lại học quân sự của sinh viên năm nhất thiệt là nhiều kỷ niệm mà mất nước là kỷ niệm hãi hùng nhất. Buổi sáng Nguyệt “còi” đứng ở cửa sau lắc lắc cái xô, bòn mót chút nước mỏng léc rót vô cái ca nhựa màu đỏ, tranh thủ dụi nốt hàm răng để chuẩn bị ăn sáng. Trưởng phòng phân công rồi, cứ như lịch đã ban thì trưa về Nguyệt “còi” là Lợi “bát giới” sẽ đi xách nước lên cho cả phòng dùng. Cả một buổi lăn lê bò toài, cười nói xôn xao đến trưa về mở cửa phòng kí túc, mắt đứa mô dứa nấy ríu lại, ăn nhanh ăn vội bì chè rồi lăn ra ngủ, bỏ mặc Nguyệt còi và Lợi bát giới với hai cái xô to. Giường trên Đào vừa nằm xuống đã ngủ tít đi, Huyền thì chăm chăm chải lại mái tóc, lúc nằm xuống chuẩn bị ngủ cũng phải cười điệu một cái.

Chiều đang ngon giấc mơ màng, phía bể nước Nguyệt còi lanh lảnh hét lên nước mô hết rồi, trời ơi. Đào ngồi thơm tho chải tóc trên giường tầng thong thả “tau tắm đó”. Ui là trời, cả một buổi trưa của Nguyệt còi và Lợi bát giới xách nước muốn rụng khớp chân chỉ để cho Đào chăm sóc ngọc thể thì thiệt là quá thể đi mà! Bảy đứa còn lại hát bài ngậm ngùi đi xách tiếp những xô nước hiếm.

 

Bói nhẫn! Bói nhẫn đê!

Hồi hộp nhất sau kì thi là chờ điểm. Môn học thi ngon thì hát véo von, còn môn học nỏ ra chi thì ngồi thở chờ đợi thôi. Để giải tỏa tâm lí không kém phần oi bức đó, Xuân cục bột phi từ phòng sinh viên Nhạc Họa về rủ rê mời chơi game mới: bói nhẫn. Bói chi bui rứa bay, bói bui rứa bay, Đào phi tọt một cái ngồi ngay ngắn trên giường Xuân cục bột. Hí hí mười hai giờ đêm tê, ai bói buổi ngày mô, thần nhẫn xấu hổ không bói được. Đêm nghe!

Rồi đến đêm, cả bọn ăn uống tắm táp mát mẻ ra lan can ngồi vuốt tóc vuốt tai kiểu cũng chờ đợi lắm. Đến gần 12 giờ đêm, đứa ôm sách gục lên gục xuống, đứa túm đầu đứa khác bắt chí rồi cũng đã đến giờ “thiêng”. “Pháp sư” Xuân cục bột vẫn bận bồ độ ngủ có nguyên bầy thỏ xanh đỏ như mọi khi, ngồi xếp bàng với một tờ giấy khổ lớn (giấy vẽ) trước măt. Trên tờ giấy, “pháp sư” đã vẽ một vòng tròn như cái mặt đồng hồ, chỉ khác các vạch chia của đồng hồ là 12, thì pháp sư chia ra 10 vạch thôi. Bói điểm chơ phải mô. “Thần chú” không được tiết lộ, chỉ có mỗi “pháp sư” vừa mới thọ giáo về biết thôi. Nguyệt còi là đứa nóng nảy nhất, le te ngồi sát rạt bên pháp sư tau trước, tau trước nghe. Xuân pháp sư đặt một tay lên cái nhẫn mã não, một tay là của Nguyệt còi. Bói môn chi trước hè: Triết chơ môn chi nữa.

 

Im lặng. Cả dãy kí túc ai nấy đã ngủ hết. Tiếng ghi ta bập bùng từ phòng 12 của các anh chị học chuyên tu cũng đã lặng từ lâu. Cả bọn ngồi im re nghe Xuân lầm bầm, rồi cái nhẫn chạy nhẹ nhẹ, vòng vòng trên tờ giấy chia sẵn mười vạch. Thiệt lạ kì, sau khi đi ngoằn nghoèo, cái nhẫn xoắn lấy con số 3 đáng thương. Nguyệt còi tái mặt lại tau… tau rớt rồi bay ơi. Hí hí, rớt thì đưa tau, chị Mận thay chỗ Nguyệt còi, chiếc nhẫn lại ngoằn ngoèo rồi hướng đích số 5. Chị Mận nhảy tưng tưng tau thoát, tau thoát chi nữa. Rồi ngồi hóng tiếp. Đêm thanh nghe rõ tiếng thở của từng đứa, đã cố tình không bật đèn, không bật quạt nên đứa mô đứa nấy mồ hôi mồ kê thôi rồi luôn.Tóm lại là hôm đó bói điểm môn Triết học xong thì còn bói thêm một số môn nhưng ngó vẻ không ra chi nên Đào giáo sư bảo chuyển chủ đề đi, bói người yêu đi, bay dấu cho lắm để coi thần nhẫn có bắt ra không. Xuân pháp sư chiều luôn. Bảng chữ cái vẽ ra hai vòng, hai cái đứa láu táu là Nguyệt còi và Lợi bát giới giành bói trước. Thần nhẫn cũng chiều lòng người, thần chạy mỏi cẳng xong thần dí vô một chữ cái rồi đứng yên không đi thêm, đi thêm có mà lộ hết. Nguyệt còi chạy trúng chữ T, Lợi bát giới thì trúng chữ N. Không biết “crush” của hai đứa có tên thuộc hai chữ cái đó không mà cứ xúi cả bọn, bói đi, đúng thiệt ơ chơ, đúng thiệt nghe!

Màn bói kết thúc lúc mấy giờ không ai hay, chỉ khi các phòng khác lục tục lên giảng đường thì phòng 8 mới hay là đã muộn học. Nà ní! Cái chi rứa trời, bụng rỗng, mắt lèm nhèm, quần quần áo áo phi mau cho kịp giờ chơ chi nữa. Nguyệt còi phi ra khỏi phòng sau cùng, cẩn thận đưa chân phải ra khỏi cửa lấy hên chơ lúc đêm bói điểm chộ toàn xui hehe. Mà sau cùng thì kết quả thi học phần các môn thần nhẫn bói trật hết, cả bọn bình yên đi qua mùa thi. Đúng là mê tín, lần sau chừa đi là vừa.

Đại tiệc

Ngày cuối tuần , khi trong túi có dăm đồng ngọ nguậy thì bắt xe về với ba, với mạ. Ngó bột hết tiền thì ở lại ăn mì tôm trừ bữa. Nhưng cũng có khi ở lại để còn học cho bài kiểm tra học trình. Chiều thứ bảy, mượn được chiếc xe đạp, cả phòng cử ra hai đứa đi chợ. Về chợ Đông Hà là sà ngay vô hàng bún. Mua bún, rồi mua mắm nêm, mua ớt, mua rau sống… cuối cùng là mua mì tôm rời không có gia vị, loại này người ta đóng gói nhiều miếng giá rẻ hơn mì gói. Mỗi bữa pha một mì gói kèm một mì trần cho chắc bụng mà tiết kiệm được so với tiền mua cơm là năm trăm đồng.

Đại tiệc hôm đó thì ai cũng biết rồi, món bún mắm nêm thơm nức mũi, đánh thức cơn đói mãn tính của sinh viên nghèo. Cả bọn ngồi quanh mâm tiệc bún, gắp lên, chan tí mắm nêm đỏ rực ớt, thả tí rau sống, hít hà… Một lúc thì cả mấy cái má đỏ bừng lên, mồ hôi bết cả tóc mai. Vừa ăn vừa cười vừa chỉ mặt nhau, nhìn ai cũng ngộ ngộ, đáng yêu…Cái thơi không điện thoại, không ti vi, nhớ nhà chỉ để trong lòng, nơi khóe mắt cay cay dụi cái là giấu được đứa bên cạnh đang lén nhìn sang. May mắn còn có cái máy cát-sét hai loa của Nguyệt còi. Giọng Mỹ Linh đê mê ca khúc “Hương ngọc lan” quyện trong mùi bún mắm nêm nghe thiệt trữ tình và no nê. Ăn xong lại lục tục rửa chén, rồi lăn lóc mỗi đứa một góc giường đọc truyện ngôn tình, cắt móng chân móng tay và mơ về những ngày ra trường đi dạy đứng trên bục giảng nhắm nìn lớp lớp đàn em thân yêu…

 

                                                 Hải Sơn, tháng 4/2022