Giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường
[ Ngày đăng: 3/28/2015 10:20:08 PM, lượt xem: 1414 ]

GD&TĐ - Là địa phương được chọn thí điểm triển khai thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học trong các trường tiểu học; đến nay sau 3 thực hiện, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã có được những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai đến các trường trên địa bàn.

 

 

Một buổi SHCM theo NCBH của Trường Tiểu học Bích Sơn

Một buổi SHCM theo NCBH của Trường Tiểu học Bích Sơn

 

Chuyển các thói quen quan sát

Sau dự giờ, mỗi giáo viên cần trả lời được các câu hỏi: Khi nào học sinh tập trung học? Khi nào học sinh không tập trung học? Lý do vì sao học sinh học hay không học? Cần phải làm gì để giúp các em học tập trung?...

 

 

Theo thầy Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang), khi triển khai sinh hoạt chuyên môn (SHCM) theo nghiên cứu bài học (NCBH), các trường phải xác định mục đích là nhằm phát triển năng lực chuyên môn cho mỗi giáo viên trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng và hợp tác giữa các thành viên.

Vì vậy, bài dạy minh họa không nhằm đánh giá hay xếp loại giáo viên mà coi đó là cơ hội để các giáo viên nghiên cứu, học tập và phát triển năng lực chuyên môn cho bản thân và đồng nghiệp.

Trong khi dự giờ, cần lưu ý chuyển từ thói quen quan sát việc dạy của giáo viên sang quan sát chi tiết việc học của học sinh; từ thói quen dự giờ ở vị trí phía cuối lớp học sang vị trí ở hai bên lớp học hoặc trên bục giảng để quan sát được nét mặt, cử chỉ và hành động của học sinh. Hạn chế việc ghi chép các hoạt động của giáo viên mà ghi chép những vấn đề lưu ý trong hoạt động học của học sinh.

Khi thảo luận về giờ dạy chuyển từ thảo luận việc dạy của giáo viên sang thảo luận chi tiết về thực tế việc học của học sinh.

Các ý kiến cần tập trung làm rõ từng tình huống, từng thời điểm em nào tập trung học, em nào chưa tập trung học (nên dùng minh chứng từ các hình ảnh, clip của tiết học). Từ đó phân tích nguyên nhân dẫn đến việc học hay không học của học sinh và nêu suy nghĩ làm thế nào để giúp các em học tập thực sự.

Người được dự giờ không đưa ra gợi ý cách dạy hay chỉ ra hạn chế về thời gian, nội dung, kiến thức, tiến trình lên lớp mà nên trao đổi những gì mình đã học được qua dự giờ học đó.

Người chủ trì trong buổi sinh hoạt chuyên môn cần tạo cơ hội cho từng giáo viên được phát biểu ý kiến thẳng thắn và cụ thể về bài dạy, hạn chế việc gợi ý hoặc tóm tắt các ý kiến phát biểu, có như vậy họ mới học tập được nhiều hơn.

Giáo viên và học sinh chia sẻ những thông tin, kiến thức trong bài học 

Xây dựng trường điển hình, GV cốt cán

Theo ông Giáp, để đổi mới hình thức SHCM theo NCBH, cán bộ Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cần phải tăng cường đối thoại với trường tiểu học để chỉ đạo, giảm bớt khó khăn về thời gian, hồ sơ sổ sách, các hoạt động quản lý không cần thiết, giảm các cuộc họp mang tính hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia SHCM theo NCBH.

Thời gian đầu nên chọn các trường điểm SHCM theo NCBH để tập trung chỉ dạo sâu nhằm xây dựng đơn vị điển hình sau đó nhân rộng điển hình với mức độ phù hợp.

Nên hình thành đội ngũ cốt cán về tổ chức SHCM theo NCBH để cùng với cán bộ sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường.

Vai trò của BGH, giáo viên và HS

Triển khai SHCM theo NCBH có chiều tác động tích cực đến hoạt động dạy và học, theo chúng tôi, mô hình này nếu được nhân rộng sẽ là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.

Theo ông Hà Huy Giáp, trong SHCM theo NCBH, Ban giám hiệu, nhất là người hiệu trưởng phải thực sự thấy việc tổ chức các buổi SHCM theo NCBH là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Trường chỉ có thể triển khai tốt mô hình SHCM này khi hiệu trưởng tự nguyện, quyết tâm chỉ đạo và cùng đội ngũ giáo viên nhà trường thực hiện.

Cán bộ quản lý là người tiên phong trong SHCM theo NCBH, phải chủ động, tích cực trong việc tập huấn giáo viên, chủ động quay phim, chụp ảnh, tham gia chủ trì, phân tích bài học cùng với giáo viên; biết sắp xếp các công việc hành chính phù hợp trong trường để ưu tiên cho SHCM theo NCBH.

Đối với giáo viên, phải thường xuyên tham dự SHCM theo NCBH ở trường, có niềm tin, kiên trì áp dụng kỹ thuật theo mô hình này vào dự giờ, phân tích bài học.

Công khai bài học, tích cực học hỏi từ đồng nghiệp, không ngại dạy để mọi người dự giờ, luôn sẵn sàng học hỏi và chia sẻ với đồng nghiệp.

Trau dồi kỹ năng quan sát, nhận xét việc học của học sinh đồng thời tích cực đúc rút kinh nghiệm và áp dụng những điều đã học được vào các tiết dạy hàng ngày trên lớp.

Thay đổi thói quen nhận xét đồng nghiệp chỉ quan tâm vào các hạn chế mà thay vào đó là tăng cường nhận xét các ưu điểm và những nội dung đã học được từ đồng nghiệp.

Đối với học sinh, cần giao quyền tự chủ các hoạt động trong trường cho học sinh mà nòng cốt là Hội đồng tự quản của lớp.

Rèn cho học sinh quen với hình thức dự giờ mới của giáo viên như: Đi lại quan sát ở các vị trí lớp học, sử dụng máy quay phim, máy ảnh, tự giác tổ chức các hoạt động học tập theo nhóm, đánh giá bản thân và đánh giá bạn bè trong lớp.

Minh Phong (ghi) (http://giaoducthoidai.vn)