GIỚI THIỆU SÁCH HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ BIỂN ĐẢO VÀ NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI NĂM 2013 (01-08/6/2013)
[ Ngày đăng: 07/06/2013 3:22:40 SA, lượt xem: 2069 ]

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Theo lời dạy của Bác, ngày nay Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam là việc hết sức cần thiết, cấp thiết và lâu dài. Đó là công cuộc tuyên truyền về lòng yêu nước, về lòng tự hào và trách nhiệm công dân của mỗi người Việt Nam đối với chủ quyền của đất nước mình.

Để hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới năm 2013 (01-08/6/2013), Trung tâm HTHT – Thư viện xin giới thiệu một số cuốn sách tiêu biểu về biển đảo Việt Nam hiện có tại Trung tâm nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao sự hiểu biết về chủ quyền biển đảo và ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong HS-SV, CBGV; đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong Nhà trường.

 

1. Luật biển Việt Nam.- Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2012.- 48 tr.;19cm

Sách trình bày nội dung về những qui định chung và qui định cụ thể của vùng biển; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; tuần tra, kiểm soát trên biển; xử lý vi phạm cùng các điều khoản thi hành.

Luật biển Việt Nam chính thức có hiệu lực vào ngày 01-01-2013 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là việc bảo vệ các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài liệu bao gồm 7 chương, 55 điều quy định chế độ pháp lý của nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và chế độ pháp lý của đảo, quần đảo. Đối với hoạt động trong vùng biển Việt Nam cũng quy định khi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

2. Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển 1982. - Hà Nội: Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012. - 427 tr. ; 24 cm.

Sách gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo, là một văn kiện quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, quy định những quyền lợi và nghĩa vụ về nhiều mặt của mọi quốc gia (có biển cũng như không có biển, có chế độ kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với những vùng biển thuộc phạm vi quốc tế.

Công ước về Luật biển 1982 được thông qua cũng là một thắng lợi có ý nghĩa đối với nước ta, một nước có bờ biển dài và có các vùng biển rộng. Công ước đã xác nhận và khẳng  định chủ quyền và quyền của nước ta đối với các vùng biển và  thềm lục địa của Việt Nam phù hơp với tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với tuyên bố ngày 12-11-1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, phù hợp với chính sách của nước ta nhằm giải quyết những tranh chấp về các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng.

3. Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Sách tham khảo/ Monique Chemillier; Đinh Kim Phúc. - Hà Nội: Chính trị quốc gia, 2010. - 295 tr. : sơ đồ; 24 cm.

Nội dung sách bao gồm 4 chương, nội dung trình bày các vấn đề sau: Chương I - các dữ liệu chung liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chương II – Việc thụ đắc danh nghĩa ban đầu. Chương III - Sự tiến triển tiếp theo của danh nghĩa. Chương IV - Các kết luận cách giải quyết tranh chấp. Bên cạnh những vấn đề mang tính lý luận cơ bản, cuốn sách còn phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế. 

Bà Monique Chemillier – Gendreau là một trong những học giả nổi tiếng, giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị ở Trường Đại học Pari-VII-Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội Luật gia Châu Âu đã viết cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách đã được xuất bản tại Pháp năm 1996. Trong đó dưới góc độ luật gia quốc tế, tác giả đã phân tích lập luận của các bên liên quan đến cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đưa ra những giải pháp cho vấn đề tranh chấp phức tạp này, dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp luật quốc tế và đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

4. Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông/ Brice M. Claget; Nguyễn Quang Vinh, Cao Xuân Thự. - Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2012. -155 tr. : bản đồ; 19cm.

Căn cứ vào Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật biển quốc tế hiện đại, các bãi ngầm Tư Chính cũng như các khu vực mỏ dầu Thanh Long và Đại Hùng hoàn toàn nằm trong giới hạn thềm lục địa Việt Nam.

Tác giả của cuốn sách đã làm rõ căn cứ, quan điểm lập trường đúng đắn phù hợp với luật pháp của nước ta trong việc xác định phạm vi chủ quyền các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, giải quyết các tranh chấp trên biển trong tình hình hiện nay thông qua đàm phán hòa bình.

Thông qua nội dung cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần tiếp tục khẳng định lập trường đúng đắn của Nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biển đảo.

5. Bộ sách chủ quyền biển đảo Việt Nam

 

Bộ sách bao gồm 11 tập: 1- Toàn cảnh biển đảo Việt Nam; 2- Một số vấn đề trong chiến lược biển Việt Nam; 3- Những hòn đảo ngọc Việt Nam; 4- Thiên hùng ca bất tử đường Hồ Chí Minh trên biển; 5- Những người giữ niềm tin cho biển; 6- Đây biển Việt Nam (tập thơ, nhạc về biển đảo Việt Nam); 7- Trường sa vang mãi bản hùng ca (ký sự về biển đảo Việt Nam); 8- Cảng biển Việt Nam; 9- Hải đăng Việt Nam: Mắt thần canh biển ; 10- Những điều cần biết về đất biển trời Việt Nam.

Bộ sách cũng đã bám sát nội dung tuyên truyền theo Hướng dẫn số 65 – HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm:

- Phổ biến những kiến thức cơ bản về Luật biển quốc tế và hệ thống pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta; những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông (đặc biệt 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết tranh chấp;

- Tuyên truyền ý nghĩa nội dung, kết quả thực hiện các văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan;

- Tuyên truyền giáo dục trong toàn dân nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần gìn giữ hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển giữa các quốc gia vùng biển Đông;

- Giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo của từng địa phương, các ngành và cả nước; vai trò của các thành phần kinh tế tham gia tích cực vào phát triển kinh tế, biển, đảo; chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, an sinh – xã hội, đảm bảo giữ gìn an ninh và chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc;

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với các chiến sỹ, các lực lượng ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…

- Ngoài ra, bộ sách cũng giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, đó là những hòn đảo du lịch nổi tiếng, các ngọn hải đăng cổ kính, những vịnh biển đẹp nhất của Việt Nam…

 

Bùi Thị Thu Hà