HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM VÀ KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM CỦA KHOA GIÁO DỤC MẦM NON
[ Ngày đăng: 22/11/2016 21:37:34, lượt xem: 1074 ]

Ấn tượng, độc đáo, đa dạng là những gì mà Hội thi Nghiệp vụ sư phạm của khoa Giáo dục Mầm non với chủ đề “Người thầy đầu tiên” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016 mang lại.

 

Các tiết mục tham gia dự thi được tuyển chọn từ quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của khoa Giáo dục Mầm non: hát múa, xây dựng và chuyển thể kịch bản văn học, đóng kịch,… Nhiều tiết mục của các lớp thể hiện sự đa dạng về thể loại, cách thức thực hiện độc đáo, diễn xuất tốt, trang phục đẹp và đa dạng, đạo cụ, sân khấu chuẩn bị kỹ lưỡng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.

Về chuyển thể các tác phẩm văn học và đóng kịch, nhiều lớp đã có sáng tạo trong việc xây dựng kịch bản, dàn dựng phần minh hoạ cho câu chuyện kể của mình. Mỗi vở kịch đều mang đến những cảm xúc đẹp trong lòng khán giả, chứa đựng thông điệp sâu lắng như lớp CĐ GDMN K21C với tác phẩm “Người thầy đầu tiên” phỏng theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nga nổi tiếng Chyngyz Aytmatov. Phần chuẩn bị công phu và lối diễn xuất khá tốt khiến người xem không khỏi rưng rưng xúc động về một người thầy đầu tiên đã chắp cánh cho những ước mơ cao đẹp của cô bé ASan. Kết thúc của câu chuyện là màn múa “Người thầy” (Nhất Huy) khiến khán giả không kìm được cảm xúc. CĐ GDMN K20 với vở kịch “Buổi học cuối cùng” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp nổi tiếng An phông xơ Đô rê, làm người xem thấm thía với thông điệp: “Tiếng nói dân tộc là tài sản quý báu của một quốc gia. Ngôn ngữ là linh hổn riêng của mỗi dân tộc. Khi một dân tộc dù rơi vào vòng nô lệ nhưng vẫn giữ được tiếng nói của mình tức là họ vẫn giữ được bản sắc dân tộc, tinh thần và truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Như vậy, họ vẫn còn một phương tiện quan trọng Để đấu tranh giành độc lập tự do”. Vở hài kịch “Romeo & Juliet thời hiện đại” được chuyển thể từ tác phẩm Romeo & Juliet của nhà văn Anh nổi tiếng William Shakespeare đến từ lớp CĐ GDMN K19A đã mang đến những cảm xúc vỡ òa, trận cười thoải mái của một chuyện tình đẫm lệ được biến tấu.

Trong phần thi hát múa, các lớp đã có sự dàn dựng công phu, xâu chuỗi một cách logic, hợp lý trong mỗi tiết mục, đưa khán giả đi từ cung bậc này đến các cung bậc khác. Từ “Ngày đầu tiên đi học” (Nguyễn Ngọc Thiện) biết bao bỡ ngỡ, rồi thời gian trôi qua, con dần lớn khôn từ bàn tay của mẹ “Mẹ tôi” (Trần Tiến) đến hôm nay “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” (Tân Huyền) như là lời tri ân, như là nguồn động lực cho mỗi HSSV phấn đấu rèn luyện bản thân để trở thành người giáo viên tốt trong tương lai là ý tưởng của lớp CĐ GDMN K21A. Phần biên soạn động tác múa tốt, với sự luyện tập công phu, sự tinh tế trong việc lựa chọn trang phục biễu diễn đã mang lại cho khán giả sự thích thú, ấn tượng như các tiết mục hát múa của các lớp CĐ GDMN K19B, CĐ GDMN K21C, TC SPMN K19A …

Hội thi đã trao giải Nhất cho tập thể lớp CĐ GDMN K21C, giải Nhì thuộc về tập thể lớp CĐ GDMN K19A, giải Ba cho tập thể lớp CĐ GDMN K21A và hai giải khuyến khích cho lớp CĐ GDMN K19B, CĐ GDMN K20.

Hội thi đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi tiết mục như là một món quà tri ân thầy cô với lòng biết ơn sâu đậm và niềm tôn kính vô hạn. Có thể nói Hội thi thành công vì không chỉ đạt kết quả tốt trong việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm mà còn là cơ hội giúp HSSV nâng cao ý thức tự chủ, tự tin trong cuộc sống, ý thức về lòng yêu nghề và tâm huyết với nghề mình đã chọn, thấy được trách nhiệm của mình để phấn đấu, nối tiếp truyền thống của quý thầy cô giáo.

Dưới đây là một số hình ảnh hội thi:

Hát múa của cô và cháu lớp TC SPMN K20A

Hài kịch: “Romeo 7 Juliet thời hiện đại”- Lớp CĐ GDMN K19A

Múa: “Thoáng xuân”- Lớp CĐ GDMN K21C

Kịch: “Người thầy đầu tiên”- Lớp CĐ GDMN K21C

Hát: “Mẹ tôi” – CĐ GDMN K21A

Kịch: “Buổi học cuối cùng”- Lớp CĐ GDMN K20

Múa “Vạt áo trong mơ”- Lớp CĐ GDMN K21B

Liên khúc hát múa: “Người thầy năm xưa”- Lớp CĐ GDMN K19B

Tin bài và ảnh: Nguyễn Thị Trầm Ca