Khơi gợi hứng thú học tập với truyện kể lịch sử
[ Ngày đăng: 4/6/2015 1:11:59 PM, lượt xem: 3620 ]

GD&TĐ - Đặc trưng của lịch sử là không bao giờ lặp lại. Giáo viên không thể tái hiện lại lịch sử trong phòng thí nghiệm, học sinh không thể trực quan sinh động được các nhân vật, sự kiện, hiện tượng lịch sử đã xảy ra trong quá khứ.

 

 

Khơi gợi hứng thú học tập với truyện kể lịch sử

 

Tuy nhiên, nhiệm vụ của giáo viên là phải tạo cho học sinh biểu tượng lịch sử, nhận thức đúng đắn các vấn đề lịch sử và rút ra bài học kinh nghiệm… 

Để thực hiện nhiệm vụ này, cô Trịnh Thị Hoài - Giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 1 (Thanh Hóa) - cho rằng: Sử dụng truyện kể lịch sử vô cùng hiệu quả.

Nguyên tắc sử dụng truyện kể lịch sử

Khi sử dụng truyện kể lịch sử trong giảng dạy Lịch sử, cô Trịnh Thị Hoài lưu ý, giáo viên cần tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc sau:

Phải nắm vững yêu cầu, mục tiêu, nội dung cơ bản của bài học. Đây là nguyên tắc số một để giáo viên lựa chọn truyện kể lịch sử và quyết định hình thức sử dụng cho phù hợp. 

Tránh việc sử dụng quá nhiều dẫn đến việc tiết dạy lịch sử trở thành tiết kể chuyện lịch sử. Nên tham khảo công thức Đai ri để đảm bảo tốt nguyên tắc này.

Phải đảm bảo tính đúng đắn, chân thực của truyện kể lịch sử. Dung lượng của truyện phải ngắn gọn, tránh lan man, dài dòng. Ngôn ngữ truyện phải trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của học sinh. 

Nếu truyện kể nguyên bản chưa đáp ứng được yêu cầu này thì giáo viên phải thiết kế lại cho phù hợp với đặc trưng của bộ môn, phù hợp với nội dung, thời gian của tiết học.

Sử dụng truyện kể lịch sử phải hướng tới mục đích là nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong nhận thức và khơi gợi sự say mê tìm hiểu lịch sử của học sinh .

Quy trình sử dụng truyện kể lịch sử

Cô Trịnh Thị Hoài chia sẻ quy trình sử dụng truyện kể lịch sử trong giảng dạy Lịch sử lớp 10 như sau: Đối với việc chuẩn bị giáo án, giáo viên thực hiện 2 bước. 

Bước 1: Xác định mục tiêu và các sự kiện cơ bản của bài dạy để có cơ sở sưu tầm và lựa chọn truyện kể lịch sử cho phù hợp.

Bước 2: Thiết kế lại hoặc tóm tắt nội dung truyện kể lịch sử một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đưa vào bài học.

Việc giảng bài trên lớp cũng qua 2 bước: Bước 1: Giáo viên cung cấp nội dung truyện kể lịch sử và yêu cầu học sinh suy nghĩ, trả lời câu hỏi nhận thức.

Bước 2: Giáo viên lắng nghe học sinh trả lời, nhận xét, đánh giá, bổ sung và đưa ra kết luận.

Sử dụng truyện kể lịch sử để giới thiệu, dẫn dắt vào bài mới

Giáo viên có thể sử dụng truyện kể lịch sử để gây sự tò mò, hứng thú cho học sinh khi chuẩn bị học bài mới.

Ví dụ: Để dẫn dắt, giới thiệu bài 1 ”Sự xuất hiện loài người và bầy người nguyên thủy”, giáo viên cung cấp cho học sinh truyện kể về học thuyết tiến hóa của Đác-uyn :

“Năm 1859, nhà khoa học người Anh là Đác-uyn công bố học thuyết tiến hóa và nguồn gốc của loài người. Ngay lập tức, những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà khoa học đã xảy ra.

Nhiều người ủng hộ và không ít kẻ phản đối. Một số tờ báo đăng tranh biếm hoạ Đác-uyn, họ vẽ ông có hình dạng một con vượn. Bởi ông cho rằng, người và loài vượn có chung tổ tiên.”

Giáo viên dừng một chút để gây sự chú ý của học sinh rồi dẫn dắt tiếp: Liệu Đác-uyn đúng hay sai? Con người có nguồn gốc từ đâu? xuất hiện như thế nào? Cô trò chúng ta sẽ học bài mới để hiểu điều đó.

Sử dụng truyện kể lịch sử để miêu tả, khắc họa nhân vật lịch sử

Để học sinh có nhận thức về các nhân vật lịch sử thì việc sử dụng truyện kể lịch sử để miêu tả, khắc họa rất có hiệu quả. Bởi qua truyện kể sẽ thể hiện rõ tính cách, suy nghĩ, hành động, tiểu sử… của nhân vật lịch sử.

Ví dụ: Khi dạy mục “Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức” trong bài “Hoàn thành cách mạng tư sản ở châu Âu và Mĩ”, giáo viên nhấn cần nhấn mạnh cho học sinh hiểu thêm về nhân vật Bix-mác và chủ trương thống nhất đất nước bằng vũ lực của ông ta thông qua truyện kể: Bi-xmác - Thủ tướng sắt và máu:

“Trong lần họp Nghị viện đầu tiên, Thủ tướng Phổ Bi-xmác đã đập bàn tuyên bố phải thống nhất đất nước bằng con đường “sắt và máu”, mặc cho nhiều người la ó phản đối.

Để thực hiện chủ trương đó, Bi-xmác liên minh với Áo đánh Đan Mạch, sau đó thì tấn công luôn bạn đồng minh của mình. Để gạt bỏ nước Pháp, Bi-xmác âm mưu bày ra cái cớ để có thể đánh Pháp một cách chính đáng.

Cuối cùng, với việc đánh tráo bức thư của Vin hem I gửi cho Na-pô-lê-ông III bằng một bức thư khác có lời lẽ ngạo mạn, sỉ nhục, Bi-xmác đã khiến cho Na-pô-lê-ông III tức giận tuyên chiến với Phổ.

Sau khi đánh bại quân Pháp, Bi-xmác cho tổ chức lễ đăng quang hoàng đế và Thủ tướng nước Đức ở cung điện Mác-xây của Pháp. Từ đó người ta gọi ông là thủ tướng “sắt và máu”.

Sau khi yêu cầu học sinh quan sát bức tranh Bi-xmác và cung cấp xong câu truyện trên, giáo viên phát vấn: Bi-xmác là con người như thế nào? Ông đã làm gì để thống nhất đất nước? Chủ trương đó có tích cực và tiêu cực gì?

Sau khi cho học sinh thảo luận và phát biểu, giáo viên chốt ý: Bix-mác là nhà quân sự độc tài, cứng rắn. Để thực hiện chủ trương của mình ông đã không từ một thủ đoạn nào.

Con đường thống nhất đất nước bằng “sắt và máu” đã giúp cho nước Đức hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng tư sản. Nhưng hậu quả tiêu cực là dẫn đến tâm lí hiếu chiến, quân phiệt của một bộ phận dân tộc Đức.

Sử dụng truyện kể lịch sử kết hợp với đồ dùng trực quan để tường thuật diễn biến sự kiện lịch sử

Đặc trưng của bộ môn lịch sử là không thể làm” thí nghiệm” hay trực quan sinh động các sự kiện lịch sử. Vì vậy chỉ có kết hợp các truyện kể lịch sử với việc sử dụng đồ dùng trực quan như tranh ảnh, lược đồ, sa bàn…để miêu tả, tường thuật lại là biện pháp tốt để giúp học sinh tái hiện kiến thức lịch sử một cách nhanh, chính xác, dễ nhớ nhất.

Ví dụ: Khi dạy nội dung “Tiến trình của cách mạng” trong bài “ Cách mạng tư sản Pháp 1789”, giáo viên đưa ra lược đồ diễn biến cách mạng tư sản Pháp. 

Sau khi yêu cầu học sinh lên bảng trình bày diền biến, giáo viên nhận xét và nhấn mạnh sự kiện ngày 14/7/1789. Để nhấn mạnh sự kiện này, giáo viên cho học sinh quan sát hình 57 ở sách giáo khoa kết hợp với việc cung cấp truyện “Phá ngục Baxti”.

Sau khi tường thuật xong sự kiện 14/7, giáo viên khắc sâu bằng câu hỏi: Ý nghĩa của ngày 14/7 là gì? . Học sinh suy nghĩ trả lời.

Giáo viên nhận xét và kết luận: Cuộc chiến phá ngục Ba-xti đã đánh đổ biểu tượng của chế độ phong kiến Pháp, thể hiện sức mạnh vĩ đại của nhân dân lao động và mở đầu cuộc đại cách mạng tư sản. Vì lẽ đó, ngày 14/7 được lấy là ngày quốc khánh của nước Pháp.

Sử dụng truyện kể lịch sử để nêu câu hỏi nhận thức

Mục đích của việc sử dụng truyện kể lịch sử trong dạy lịch sử lớp 10 chính là thông qua đó để nâng cao nhận thức học sinh, tạo hứng thú cho các em. Vì vậy, sau mỗi truyện kể giáo viên nên đưa ra các câu hỏi nhận thức để làm rõ vấn đề và khắc sâu nội dung bài học.

Ví dụ, Khi dạy mục “Giáo dục” ở bài 20 “Xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc trong các thế kỉ X-XV”, giáo viên sử dụng truyện về bia Tiến sĩ ở Văn Miếu.

Sau khi cung cấp cho học sinh, giáo viên đưa câu hỏi nhận thức: Việc dựng bia Tiến sĩ có ý nghĩa gì? Giáo viên theo dõi học sinh trả lời và kết luận: Việc dựng bia Tiến sĩ thể hiện chính sách coi trọng người tài và khuyến khích việc học của các triều đại phong kiến nước ta. 

Bia Tiến sĩ là một nét đẹp văn hoá nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của cha ông ta. Hiện nay bia Tiến sĩ đang được Nhà nước ta bảo tồn, gìn giữ với tầm vóc một di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc.

Hải Bình (ghi)(http://giaoducthoidai.vn/)