Một số mô hình phổ biến về phát triển tư duy, KN, năng lực trên thế giới hiện nay
[ Ngày đăng: 07/11/2013 3:46:16 SA, lượt xem: 5943 ]

 

 

 

Nói về quá trình phát triển nhận thức thì người đầu tiên đặt nền móng cho các học thuyết về quá trình phát triển tư duy trí tuệ phải kể đến nhà tâm lý học Piaget. Ông là người đầu tiên phát triển thành công một lý thuyết hoàn chỉnh về bản chất và sự phát triển trí tuệ, hay được biết đến như lý thuyết về các giai đoạn phát triển nhận thức (developmental stage theory). Theo thuyết này, quá trình phát triển nhận thức của con người trải qua 4 giai đoạn: (1) Giai đoạn cảm giác – vận động (0-2 tuổi); (2) Giai đoạn tiền thao tác cụ thể (2-7 tuổi); (3) Giai đoạn thao tác cụ thể (7-11 tuổi; (4) Giai đoạn thao tác chính thức (từ 11 tuổi trở lên.

 

Các cơ sở học thuyết thời ‘hậu Piaget’ về phát triển tư duy trí tuệ hết sức đa dạng và phong phú, tuy nhiên bài viết này chỉ tập trung nghiên cứu một số mô hình phổ biến trên thế giới về quá trình phát triển tư duy, kỹ năng, năng lực đã được phát triển và đang được ứng dụng trong việc thiết kế các khóa học/môn học và mục tiêu học tập, đào tạo. Trong đó phải kể đến thang phát triển tư duy của Bloom, mô hình năm giai đoạn hình thành kỹ năng của Dreyfus, mô hình cấu trúc kết quả học tập của Biggs và Collis hay còn gọi là SOLO, mô hình phát triển năng lực của Singer, và phương pháp xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO. Phần tiếp theo đây sẽ lần lượt giới thiẹu các mô hình này theo trình tự thời gian phát triển.

1. Thang  tư duy của Bloom (Bloom’s cognitive taxonomy)

Năm 1956, Benjamin Bloom và những đồng nghiệp của ông đã xây dựng thành công thang phân loại tư duy. Đối chiếu theo thang này, trình độ tư duy của một người sẽ thể hiện qua những gì mà người đó biết – hay cách thức họ vận hành tư duy. Quá trình tư duy này bao gồm sáu bậc sắp xếp theo trình tự từ thấp đến cao: Biết, Hiểu, Vận dụng, Phân tích, Tổng hợp, Đánh giá.

Sang những năm 1990, thang tư duy này được chỉnh lại bởi Lorin Anderson – một học trò và sau này cũng là đồng nghiệp của Bloom. Theo đó, kiến thức và quá trình tư duy được tách thành hai mảng riêng biệt. Kiến thức có thể thay đổi theo mức độ tư duy, bao gồm từ kiến thức cụ thể cho đến kiến thức trừu tượng, từ các sự kiện, khái niệm, quá trình, cho đến siêu nhận thức. Hơn nữa, vì tư duy được coi là một quá trình, các bậc tư duy được đổi tên và chức năng (từ danh từ sang danh động từ) thành: Nhớ, Hiểu, Vận dụng, Phân tích. Hai khả năng cao nhất trong thang tư duy là tổng hợp và đánh giá được chuyển thành đánh giá kiến tạo để phản ánh khả năng cao nhất trong bậc tư duy không phải là tổng hợp mà là khả năng sáng tạo (Anderson & Sosniak, 1994).

Cho đến nay, thang tư duy của Bloom đã được sử dụng rộng rãi trong việc thiết kế chương trình học và mục tiêu học tập, kiểm tra đánh giá, cụ thể là trong việc phát triển các công cụ đánh giá theo bậc tư duy của Bloom, qua đó đánh giá được hành vi cũng như khả năng của người học thông qua mức độ khả năng tư duy của họ. 

2. Mô hình phát triển kỹ năng của Dreyfus (Dreyfus model of skill acquisition)

Trong báo cáo nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley, anh em nhà Dreyfus (1980) đã trình bày một mô hình về quá trình một người học hình thành và phát triển kỹ năng của họ thông qua giảng dạy và thực hành. Quá trình này bao gồm năm mức phát triển, từ người tập sự đến chuyên gia: 1) Người tập sự - ở giai đoạn này, các nhiệm vụ học tập chưa được đặt trong bối cảnh tình huống cụ thể để người học có thể nhận diện ra chúng mà không cần đến kinh nghiệm về các tình huống đó. Họ được cung cấp các nguyên tắc để giúp họ đưa ra quyết định dựa trên những đặc điểm ‘không mang tính tình huống’ (non-situational). Trách nhiệm cá nhân chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các nguyên tắc và không hề có sự điều chỉnh những nguyên tắc này; 2) Người bắt đầu – người học bắt đầu nhận diện các tình huống mang tính hoàn cảnh và áp dụng các quy tắc cho từng hoàn cảnh riêng biệt, bắt đầu trải nghiệm những tình huống ngoại lệ. Tuy nhiên quyết định của họ vẫn được đưa ra dựa trên việc áp dụng các quy tắc; 3) Người có năng lực – giai đoạn này người học đối diện với nhiều nguyên tắc hơn và bắt đầu học cách tổ chức sắp xếp các nguyên tắc/ ý kiến, lựa chọn được các thông tin tương thích, có liên quan, điều chỉnh được các nguyên tắc để hành động phù hợp với những tình huống bất ngờ, và bắt đầu cảm nhận được trách nhiệm của cá nhân trong việc chủ động đưa ra quyết định; 4) Người thành thạo – khả năng nhận diện giúp họ đánh giá được cái gì cần phải làm và họ biết sử dụng các nguyên tắc để quyết định nên làm như thế nào. Họ có thể rút ra thông tin liên quan cho bản thân mình từ kinh nghiệm của người khác, thay vì nhìn nhận nó như một toàn thể. Trách nhiệm của họ gia tăng cùng với kinh nghiệm; 5) Chuyên gia – không có quá trình phân tích hay lên kế hoạch hay yêu cầu hướng dẫn. Việc nhận diện được tình huống đi cùng với việc lên kế hoạch và hành động. Dựa trên trực giác, họ biết phải làm gì trong tình huống được giao và thường xuyên tìm kiếm những cách thức giải quyết tình huống hiệu quả hơn. Tóm lại, mô hình Dreyfus phân loại trình độ phát triển theo tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm, thong qua cách con người đạt tới và làm chủ kỹ năng của họ.

3. Mô hình cấu trúc kết quả học tập của Biggs và Collis (SOLO taxonomy)

Biggs và Collis (1982) giới thiệu một cấu trúc miêu tả một trình tự được sắp xếp theo thứ bậc nhất quán và đặt tên là ‘chu kỳ học’ (learning cycle). Chu kỳ học này có thể cung cấp thông tin về sự tiến bộ của quá trình học tập theo một trạng thái nhất định, từ đó có thể đánh giá kết quả học tập.Các tác giả từ đó xây dựng thang SOLO (structure of the observed learning outcomes) – mô hình cấu trúc về các kết quả học tập có thể quan sát được. Theo cấu trúc này, chu kỳ học bao gồm năm trình độ: 1) tiền cấu trúc (nhiệm vụ học tập được giao nhưng người học còn bị sao nhãng bởi những yếu tố không liên quan hay những yếu tố thuộc về giai đoạn trước đó), 2) đơn cấu trúc (người học đã có thể tập trung vào lĩnh vực tương thích và có khả năng chọn lựa một thành tố nào đó của nhiệm vụ học tập để nghiên cứu, giải quyết), 3) đa cấu trúc (người học tích hợp được nhiều yếu tố có liên quan nhưng chưa thể hợp nhất chúng lại với nhau), 4) xác lập mối quan hệ (người học giờ đây có thể tích hợp các phần lại với nhau, tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh và có ý nghĩa), 5) mở rộng khả năng trừu tượng (người học có thể khái quát hóa cấu trúc để nắm bắt những vấn đề mới và trừu tượng hơn, biểu thị một trạng thái phát triển mới và cao hơn).

4. Thang phân loại năng lực của Singer

Hướng tới xây dựng chương trình đào tạo lấy mục tiêu là xây dựng năng lực cho người học, Singer (2006) đã phát triển một mô hình tư duy nhằm thiết kế các mục tiêu năng lực cho chương trình giáo dục cấp hai ở Rumani. Sáu giai đoạn tư duy làm nền tảng cho quá trình phát triển năng lực là 1) tiếp nhận; 2) xử lý kiến thức và kỹ năng lần thứ nhất; 3) Hình thành trong tư duy các mô hình, cấu trúc biểu thị mối quan hệ, áp dụng các mô hình cấu trúc kiến thức đã có; 4) Diễn đạt bằng ngôn ngữ, Ứng dụng thực tế; 5) Xử lý lần hai những kiến thức và năng lực đã đạt được; 6) Chuyển hóa các năng lực sang các lĩnh vực có liên quan. Tương ứng với sáu bậc phát triển tư duy này là sáu nhóm năng lực: 1) Tiếp nhận (nhận diện các thuật ngữ, khái niệm, mối quan hệ, quá trình; quan sát hiện tượng, quá trình; nhận thức về các mối quan hệ, chuyển tiếp, quy trình; định nghĩa các khái niệm; thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau); 2) Xử lý dữ liệu ở cấp độ 1 (so sánh các dữ liệu khác nhau, thiết lập mối quan hệ; tính toán một phần kết quả; phân loại dữ liệu; biểu diễn dữ liệu; phân biệt; điều tra, khám phá; thử nghiệm); 3) Xử lý dữ liệu thông qua các mô hình, công thức (rút ra các mô hình; xác định các biến; thực hành theo các nguyên tắc/mô hình chuẩn; giải quyết vấn đề thông qua các mô hình/thuật toán); 4) Mô tả, diễn đạt bằng ngôn ngữ của bản thân (miêu tả trạng thái, hệ thống, quy trình, hiện tượng; thiết lập và duy trì các lý lẽ để giải quyết vấn đề; trao đổi ý tưởng, khái niệm, giải pháp thông qua sử dụng hệ thống ngôn ngữ, tín hiệu riêng biệt cho lĩnh vực đó); 5) Xử lý cấp độ hai các kết quả (so sánh các kết quả, sản phẩm, kết luận; tính toán kết quả; đánh giá kết quả; phát triển học thuyết; phân tích các tình huống khác nhau; xây dựng các chiến lược; liên kết các quá trình, tìm ra mối quan hệ giữa những đại diện khác nhau, giữa những đại diện và các vật thể); 6) Chuyển giao (khái quát hóa và đặc thù hóa; tích hợp; tối đa hóa; chuyển hóa; thương thuyết; áp dụng các quy trình vào những tình huốn phức tạp hơn).

 Như vậy, hiện nay có 4 mô hình phổ biến để phát triển năng lực, kỹ năng, tư duy của người học. Mô hình của Dreyfus chủ yếu đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm, không đánh giá kiến thức . Mô hình của Biggs và Collis phản ánh đúng bản chất tên gọi của nó – chu kỳ học, nên chỉ đơn giản phản ảnh một quá trình tư duy lặp đi lặp lại của người học khi bắt đầu làm quen với các cấu trúc mới/vấn đề mới. Thang phân loại tư duy của Bloom từ lâu nay vẫn được coi là công cụ phổ biến nhất để mô tả tư duy và xây dựng mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, bối cảnh giáo dục hiện nay đã thay đổi. Việc dạy và học không chỉ dừng lại ở việc phát triển tư duy, nhận thức mà còn bao gồm cả phát triển cảm xúc, thái độ và kỹ năng. Mô hình tư duy của Bloom tuy được sử dụng khá rộng rãi, nhưng lại bị giới hạn trong việc đo lường các năng lực tư duy kiến thức hơn là năng lực thực hiện các kĩ năng, quá trình như kiểm tra đánh giá.

Mô hình phát triển năng lực của Singer có nhiều ưu điểm và phù hợp với sự phát triển của giáo dục – đào tạo hơn cả. Vì mô hình này tập trung vào kĩ năng xử lý kiến thức nhiều lần, qua nhiều giai đoạn, dựa trên quá trình. Đây cũng chính là quan điểm phổ biến về phát triển năng lực – trọng tâm của giáo dục đào tạo ngày nay.

* Tài liệu tham khảo:

TS. Dương Thu Mai, 2013, Nghiên cứu, đề xuất khung kiến thức/năng lực chung về  ĐGGD và trọng tâm cho từng đối tượng liên quan, Báo cáo tại Hội thảo READ.

 

- Trần Thị Thanh Huyền -