Phong tục đón năm mới của các nước trong tiểu vùng Sông MêKông
[ Ngày đăng: 27/06/2012 2:19:26 SA, lượt xem: 7127 ]


      Năm mới đến với các nước khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Không phải năm mới ở đâu cũng phảng phất hương vị cây thông, tuyết trắng hay đèn lồng và câu đối đỏ... Ở mỗi nước có những cách chào đón năm mới độc đáo theo các phong tục truyền thống riêng. Có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiêu phong tục đón năm mới, từ các hoạt động vui chơi giải trí đến thưởng thức các món ăn đặc biệt cùng gia đình, bạn bè. Vậy thì các nước trong khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông đón năm mới như thế nào? Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày tết để phần nào hiểu thêm về văn hoá, lối sống và con người ở các nước trên thế giới nói chung và các nước trong Tiểu vùng Sông Mê Kông nói riêng.

     Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng (tiếng Anh: Greater Mekong Subregion, viết tắt là GMS) là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông MêKông bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

 1. Campuchia
    Người Campuchia lấy ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tính niên đại, vì vậy ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 dương lịch hàng năm được xem là thời điểm của tết năm mới (Tết Choi Chơnăm Thmay - hay Tết Núi Cát). Trong dịp này, các đền chùa thường treo cờ ngũ sắc và cờ trắng hình cá sấu của đạo Phật. Trước khi đón năm mới, mọi nhà đều dựng bàn thờ để đón ông bà tổ tiên, trên bàn thờ thường thắp 5 nén nhang, 5 đèn cầy. Nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới. Đồng thời sửa sang, quét dọn, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ cho những ngày tết.

Những con lợn quay được bày bán tại khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia trong dịp Tết.
http://dantri.com.vn

      Ngày đầu năm mới, cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái và tin rằng sẽ được thần ban phước lành. Sau đó, mọi người ăn mặc đẹp đội lễ vật lên chùa làm lễ rước Đại lịch, nghe sư đọc kinh cầu nguyện, tưới nước thơm vào tượng Phật, sư sãi và dâng các loại bánh ngon lên ông bà cha mẹ để chúc thọ, báo hiếu.
      Ngày thứ hai sẽ tiến hành làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng cho các vị sư sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Trước khi ăn, các nhà sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra vật thực, những người mang vật thực đến cho nhà chùa. Buổi chiều, tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ nhằm biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người.
      Ngày thứ ba làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Vào buổi sáng dâng cơm sáng cho các sư, họ tiếp tục nghe thuyết pháp. Đến chiều, mọi người đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật. Hoạt động này nhằm thể hiện sự tưởng nhớ và lòng biết ơn đối với Đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ để bước sang năm mới vạn sự như ý.
     Sau khi tắm Phật, mọi người tiếp tục tắm cho các vị sư sãi cao niên. Sau lễ tại chùa, mọi người rước các nhà sư tới nghĩa trang để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Sau đó ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm trong năm cũ. Tiếp đó, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các lễ hội. Tết năm mới ở Campuchia có khi kéo dài hơn một tuần mới bắt đầu trở lại cuộc sống thường nhật.

 2. Lào
    Tết năm mới của Lào gọi là Bunpimay, Pi Mai, Pee Mai, Koud Song Kane hay Bunhot Nậm (thường gọi là tết buộc chỉ cổ tay hay Tết té nước). Đây là thời khắc thiêng liêng và quan trọng đối với mỗi người dân đất nước Triệu Voi. Bun Pi May mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Tết Bunpimay được tổ chức trong ba ngày 13,14,15 tháng 4 Dương lịch.
    Ngày đầu tiên của Tết Lào (cũng là ngày cuối cùng của năm cũ,), người ta quét dọn, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để xức vào người làm phước. Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi thường té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và an khang. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Tắm tượng Phật trong ngày Tết Songkan của Lào
http://dangcongsan.vn

     Người Lào thường có thói quen sử dụng hoa muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) và hoa Chăm-pa trong dịp Tết vì hoa được coi là điềm may mắn và càng sử dụng nhiều hoa thì gặp càng nhiều may mắn trong năm mới. Khách đến chơi nhà người Lào trong dịp tết sẽ được gia chủ cài hoa Chăm-pa trên ngực áo và buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Trong suốt ba ngày tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm.

3. Myanma
     Tết Myanma có tên gọi là Thingyan. Lễ Thingyan diễn ra trong 4 hoặc 5 ngày. Theo truyền thống, thời điểm diễn ra Tết được tính theo âm lịch Mianma nhưng ngày nay được cố định từ ngày từ 13 đến 16/4, trùng vào dịp lễ Phục Sinh của các nước phương Tây.
     Ngày giao thừa Thingyan, ngày đầu tiên của kỳ lễ là thời điểm bắt đầu của nhiều hoạt động tôn giáo. Các ngày tiếp đến, người dân Myanma tham gia vào các hoạt động lễ hội suốt ngày đêm. Theo truyền thống, vẩy nước thơm là một nghi lễ quan trọng trong dịp Tết Thingyan.  Những giọt nước được vẩy đi là ẩn dụ của việc rửa trôi những tội lỗi của mọi người trong năm qua. Ở những thành phố lớn như Yangon, các vòi tưới nước trong vườn, các ống dẫn nước lớn làm bằng tre, đồng hoặc nhựa, các bơm nước và các dụng cụ phun nước khác được sử dụng bên cạnh các ly tách chỉ có thể hất nước ra nhẹ nhàng; ngay cả bóng nước và vòi rồng cứu hỏa cũng được mang ra dùng… làm cho không khí lễ hội càng thêm sôi động.
     Trong những ngày Tết, nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi với sự tham gia của nhiều nhóm nhạc, nhiều đoàn biểu diễn rộn rã suốt đêm trên đường phố và trên các con thuyền đậu dọc các con sông.

Các đoàn nghệ thuật dân tộc biểu diễn trên đường phố Mianmatrong dịp Tết
http://dangcongsan.vn

    Ngoài ra, một hoạt động được nhiều người dân Mianma làm trong dịp Tết là quyên góp thức ăn để phát miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.
4. Thái Lan    
 Người Thái Lan gọi ngày Tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran. Từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn, với nghĩa “lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”. Tết Songkran là một nghi thức tôn giáo của đạo Bà la môn ở Ấn Độ. Giáo phái này đã ra quy định vào một ngày trong năm, các tín đồ phải đến một con sông tắm gội gột bỏ những điều ác. Đối với những người già không đến sông tắm gội được thì người nhà mang nước về dội lên người người họ xem như rửa tội. Truyền thuyết cho rằng, trước ngày tết Songkran, đại thiên thần Đế Thích sẽ giáng xuống trần báo mộng. Nếu thấy ngài mang vũ khí thì năm đó ắt hẳn có chiến tranh, mang đuốc thì sẽ xảy ra hạn hán, còn mang theo bình nước thì năm đó sẽ mưa thuận gió hoà. Sau khi các tín đồ truyền nhau báo mộng, họ bắt đầu té nước, chính vì vậy, tết Songkran còn được gọi là Tết té nước.

 

Lễ hội té nước Songkran ở Bangkok, Thái Lan
http://xahoi.com.vn


     Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc giáo, vì vậy nước này ăn tết theo Phật lịch. Theo Phật lịch, năm mới bắt đầu bằng ngày Đản sinh của Đức Phật 15/4 và ngày lễ chính thức được mở đầu bằng lễ tắm Phật trên chùa. Sau lễ tắm Phật, mọi người bắt đầu chào mừng năm mới bằng hội té nước. Để chuẩn bị cho Tết Songkran, người dân dành 2 ngày. Bắt đầu là Wan Sungkharn Long - ngày này được dành để dọn dẹp nhà cửa và rũ bỏ những cái cũ. Tiếp đó là Wan Nao - ngày dành riêng để chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ sắp tới. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Ngày Wan Nao tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam. Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee - ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già và tổ tiên và rắc nước thiêng.

 5. Trung Quốc
    Tết Xuân hay gọi là Xuân tiết (春節), Tân niên (新年) hoặc Nông lịch tân niên (農曆新年) là ngày tết lớn nhất và long trọng nhất của người Trung Quốc. Tùy theo sự biến đổi của thời đại, những nội dung của ngày tết đang dần thay đổi, cách ăn tết của người dân cũng đang thay đổi nhưng vị trí của tết Xuân trong cuộc sống và trong ý thức của người dân thì không gì có thể thay thế được.
    Theo tập tục dân gian của Trung Quốc, tết Xuân là bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp Âm lịch, kéo dài đến ngày rằm tháng giêng năm mới. Trong đó, 30 tháng Chạp (giao thừa) và mồng một tết được xem là cao trào của ngày tết. Trước ngày tết, mọi người dọn dẹp nhà cửa để xả xui. Người ta thường chọn cành đào để trong nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho “tài lộc” và trang trí nhà cửa bằng những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ và đốt pháo để đuổi ma quỷ và mong muốn một cái tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Câu đối - cái không thể thiếu trong dịp Tết  của người Trung Quốc
http://vietbao.vn

     Ở nhiều vùng, người dân ăn tết với nhiều tập tục truyền thống khác nhau nhưng nhất thiết cả gia đình phải quây quần cùng ăn bữa cơm đoàn viên tối 30. Ở miền Nam, bữa cơm đoàn tụ thường có hơn chục món, trong đó nhất định phải có đậu phụ và cá, để cầu “phú quý, dư thừa”. Ở miền Bắc, trong bữa cơm đoàn tụ thường không thể thiếu món sủi cảo, một món ăn làm bằng bột mỳ cán mỏng, gói thịt rất thơm ngon.
Cúng tổ tiên là việc hệ trọng trong ngày tết. Người Trung Quốc cúng tổ tiên thường dâng “tam sinh”, tức thịt gà, thịt lợn và cá, ngoài ra còn bánh tét, đậu hũ, hoa quả... Mỗi loại thực phẩm đều dán giấy đỏ. Sau khi thắp nến, đốt nhang, phải quỳ lạy và cầu khấn. Trong năm mới, trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là “lì xì”, tiền đựng trong bao đỏ để lấy may.
     Hết tết, nhưng vui chơi, thăm bè bạn thì vẫn tiếp tục cho đến Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng). Người Trung Quốc có câu tục ngữ: “Uống xong ly rượu Nguyên tiêu là lúc khởi đầu bắt tay vào công việc”.

6. Việt Nam
    Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản “Tết” là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Chữ "Tết" do chữ "Tiết" (節) mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" (元旦) có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm.
Đối với người Việt, vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước tết họ thường sơn, quét, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa vật dụng, quần áo mới cho các thành viên trong gia đình và không quên chăm sóc lại phần mồ mả của người thân. Trước đây, từ các nho học cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Những vật phẩm quan trọng không thể thiếu trong tết Việt trước kia đã được gói gọn trong một câu đối đầy màu sắc:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Gói bánh tét ngày tết ở Việt Nam
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

       Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà. Theo quan niệm người Việt, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Miền Trung và miền Nam lại thích dùng cành mai vàng hơn miền Bắc, màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến).
     Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ngày mồng một tháng giêng là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong dịp tết. Những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất vào sáng sớm. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ăn uống, chúc tụng nhau và lì xì mừng tuổi cho người già, trẻ con. Sau đó, cả gia đình cùng đi tảo mộ, thăm viếng nơi yên nghỉ của những người đã khuất. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: “Mồng một Tết Cha; Mồng hai Tết Mẹ; Mồng ba Tết Thầy”.
    Trong những ngày tết, người ta thường đi thăm nhau, thăm hỏi những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới. Ngày tết chúc nhau những điều tốt đẹp là một trong những phong tục không thể thiếu. Trẻ nhỏ cũng được dạy để chúc những lời hay đến ông bà, cha mẹ, anh chị, người thân quen. Thường thì người ta chúc nhau sức khỏe, tiền tài, chúc làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc, thành công...
    Nhìn chung, mỗi quốc gia trong Tiểu vùng Sông Mê Kông đều có những phong tục đón năm mới mang sắc thái khác nhau, nhưng mục đích chung vẫn là xua tan những phiền muộn của năm cũ và cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc.

                                                           Trịnh Ngọc Tường Vy
                                                  TT.NCVH Tiểu vùng sông Mekong

 

Tài liệu tham khảo

1. Bình Minh, Những phong tục ngày Tết Việt Nam (2010), http://afamily.vn.
2. “Sôi động Tết Lào, Thái Lan, Campuchia và Mianma” (2012) , http://yenbai.gov.vn.