Sự ra đời của các trường phái Âm nhạc thế kỷ XX
[ Ngày đăng: 08/01/2014 9:03:48 SA, lượt xem: 4805 ]

Âm nhạc thế kỷ XX là bước chuyển tiếp từ chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX. Sau cuộc cách mạng tư sản pháp năm 1789, chế độ dân chủ tư sản ra đời,  xã hội lúc bấy giờ có nhiều biến động, sự mẫu thuẫn gay gắt, sự phân chia các đế quốc, sự đối đầu về kinh tế. Nói chung, xã hội lúc này diễn biến phức tạp về mọi mặt, trong đó có âm nhạc.

 

Do biến động của xã hội như vậy nên các nghệ sỹ, nhạc sỹ thời kỳ này bắt đầu buông xuôi.  Họ bất lực trước sự áp bức của các thế lực đen tối, họ bắt đầu hướng đến những ảo vọng xa xăm, hướng đến thiên nhiên…Chính vì vậy, âm nhạc lúc này không còn công năng T,S,D và hợp âm ba thuần túy nữa, không còn tạo sức hút dẫn như ở hòa thanh của chủ nghĩa lãng mạn, cấu trúc chồng âm thì lấy ở bất kỳ quãng nào (không còn quãng ba như chủ nghĩa cổ điển)...cũng chính sự mâu thuẫn của xã hội đen tối nên đã sinh ra nhiều trường phái âm nhạc khác nhau, trong đó phải kể đến nhiều tên tuổi mới như: Debussy, Ravel, Strauss, Maler, Pussini, De falla, Bartok và Sibelius...Tuy họ sử dụng một cách tự do các phương tiện và thủ pháp hòa âm mới rất phức tạp và muôn hình muôn vẻ trong sự liên tiếp giọng nhưng vẫn còn giữ được những quy luật chung cơ bản mà di sản âm nhạc cổ điển đã dựa vào đó. Nhiều trào lưu và nhiều khuynh hướng sáng tác cũng như những quan điểm nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ đã lần lượt xuất hiện. Các nhà soạn nhạc đều lao vào để tìm kiếm mọi khả năng biểu hiện ở mức độ tối đa của ngôn ngữ hòa âm, do đó đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng hòa âm.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, các nhạc sỹ đã luôn có khuynh hướng làm phức tạp hóa một cách đặc biệt ngôn ngữ hòa âm, tăng cường mọi khả năng màu sắc của hòa âm tới mức độ chọn lọc tinh tế mà có thể mang tính chất gia vị, cảm giác được.

Trong một chừng mực nào đó, khuynh hướng này đã biểu hiện ở Wagner(Tơristan và Jdônda) hoặc những tác phẩm ở thời kỳ đầu của Schonberg như “Gurre Lieder” hay “ Ánh trăng Pêrô” có thể lấy làm thí dụ rõ ràng về tính chất chọn lọc tinh tế của hòa âm.

 Trong tất cả các trường phái âm nhạc của thế kỷ XX, đầu tiên phải nói đến trường phái ấn tượng Pháp “impressionnisme” mà đại diện là Debussy. Đặc điểm đầu tiên là họ có khát vọng rõ ràng, những ấn tượng và khí sắc riêng biệt thành các hình tượng màu sắc âm nhạc. Sự tiếp nhận thực tế khách quan này tất nhiên không chỉ có quan hệ đến các nhân tố riêng biệt mà còn chứa đựng nhiều mặt của cuộc sống. Đồng thời còn là mối quan tâm đến các mặt khác của vai trò thực tế lớn lao trong sự phát triển nghệ thuật âm nhạc ở các thời kỳ trước đã bị cắt đứt.

Đây là  nguyên nhân mà chủ nghĩa ấn tượng đã từ bỏ những thành tựu mang nhiều giá trị của lối viết giai điệu lãng mạn. Hòa âm và các phương tiện biểu hiện khác không chỉ ở mức độ bổ sung mà đến một chừng mực nào đó thì việc từ bỏ lẫn nhau lại đưa tới sự xuất hiện các thủ pháp của lối viết khác. Hòa âm của các nhà ấn tượng đã mất đi tính chất êm dịu không ngừng, tính chức năng sinh động của mình mà nó lại là bộ phận cần thiết không thể thiếu được của các thể loại âm nhạc lớn như giao hưởng. Nhưng ở một phạm vi khác thì ngôn ngữ hòa âm này đã làm phong phú thêm một cách đặc biệt cho các phương tiện màu sắc mới mẻ, đem lại kết quả rất tốt cho các phong cách sáng tác khác. Trước hết trong sáng tác của mình, các nhạc sỹ ấn tượng đã biểu lộ bằng sự đổi mới một cách rộng rãi những phương tiện về âm sắc và hòa âm nhằm diễn đạt những ấn tượng thoáng qua. Họ thường xuyên thay đổi sắc thái, góp phần làm cho âm nhạc thế giới phong phú thêm bởi những phương tiện biểu hiện bằng âm thanh, phát hiện ra các sắc thái vô cùng tinh tế của sự vật hiện tại.

Sau chủ nghĩa ấn tượng, một trào lưu khác cũng rất quan trọng ở giai đoạn này, đó là chủ nghĩa tự nhiên “Naturalisme”. Trong sáng tác, các nhà soạn nhạc đã biểu hiện những dáng vẻ đầy mâu thuẫn, một mặt họ quan tâm tới cuộc sống của những người bình thường, đến những đề tài trong thực tiễn đương thời, nhưng mặt khác họ lại chú ý đến những chi tiết mô tả bằng âm thanh hoặc chia vụn các cấu trúc âm nhạc. Trong số họ tiêu biểu một số tên tuổi như: Puccini người Ý, Mascagni người Ý, Leoncavallo người Ý, Charpentier người Pháp, và R.Strauss người Đức...

Từ giai đoạn 1920-1945,  nền âm nhạc châu âu lại lần lượt ra đời một số trào lưu mới đánh dấu một giai đoạn có nhiều diễn biến phức tạp trong đấu tranh giữa các khuynh hướng nghệ thuật.

Đầu tiên phải kể đến là chủ nghĩa biểu hiện “ Expressionnisme” được ra đời từ năm 1920 của thế kỷ XX, đầu tiên xuất hiện ở Áo, Đức sau đó nở rộ ở một số nước Tây Âu. Đại biểu của chủ nghĩa biểu hiện là Schonberg và những học trò của ông như Berg và Weber. Một số nhạc sỹ khác cũng chịu ảnh hưởng của trường phái này như: Maler mà giao hưởng cuối đời là Hindemith, Szymanowsky. Quan điểm của họ trong sáng tạo nghệ thuật là chú ý đến những vấn đề sống còn quan trọng, những tình huống xung đột gay gắt đầy kịch tính, nhưng khi giải quyết những xung đột đó thì họ lại dùng quan điểm của chủ nghĩa cá nhân, do đó đã dẫn đến chủ nghĩa bi quan.

Những phương tiện của chủ nghĩa biểu hiện, trong đó có hòa âm đều phục vụ cho chủ nghĩa xúc cảm, tính hình tượng xác thực và sức biểu hiện của giai điệu và hòa âm luôn có khuynh hướng được thay thế bằng sự căng thẳng. Chính vì vậy nên khi sáng tác những hình thức lớn họ đã không dựa vào sự phát triển nội tại của các hình tượng âm nhạc mà lại dựa vào chủ nghĩa xúc cảm không ngừng được bóc trần hoặc nhiều hoặc ít, đôi khi còn mang tính sinh lý học. Khuynh hướng nghệ thuật của họ là biểu hiện một cách phóng đại cực đoan những tâm trạng và xúc cảm của con người thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sỹ, nó đã tạo ra được sự chú ý đặc biệt của giới trí thức tư sản ở giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Đối lập với chủ nghĩa biểu hiện là chủ nghĩa cấu trúc “ constructivismi” được phổ biến ở giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất. Khuynh hướng sáng tác của chủ nghĩa cấu trúc là đi ngược lại phong cách lãng mạn và ấn tượng. Trào lưu này muốn biến ngôn ngữ âm nhạc thành vật liệu để mô tả mang tính cơ giới, họ lắp ghép những mảng âm thanh xa lạ vào trong cấu trúc của tác phẩm.

Gần gũi với chủ nghĩa cấu trúc là chủ nghĩa cổ điển mới “Néoclassicisme”. Nó được xuất hiện vào năm 1920 trên bình diện khá rộng. Đặc biệt chủ nghĩa cổ điển mới đã xuất hiện nhanh chóng trong âm nhạc Pháp với tên tuổi của Ravel, hoặc Casella (Ý) và các thành viên trong nhóm 6 người: “Le groupe de six” như: Honegger, Poulenc, Auric, Durey, Milhaud và Tailleferre. Về thực chất thì họ xa lánh những nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực và bế tắc trong nội dung cũng như hình tượng nghệ thuật.

Từ giai đoạn sau năm 1945, trong âm nhạc một số nước Tây Âu và Châu Mỹ đã xuất hiện một loại nhạc gọi là “Dodescaphonie”. Phương pháp sáng tác loại này được xây dựng trên cơ sở của sự kết hợp có dụng ý 12 âm thuộc gam chromantic. Những tác phẩm âm nhạc đó khi chúng ta tách khỏi hệ thống 12 âm thì được gọi là âm nhạc Serri “Serielle musique” và những nhạc sỹ sáng tác theo khuynh hướng này được mang một cái tên là “trường phái Viên mới” ( Schonberg, Berg, Weber).

Nếu nghệ thuật âm nhạc của trường phái ấn tượng mang tính chất lạc quan, sảng khoái trong bản chất của mình, đã đem lại những kết quả thuận lợi cho sự phát triển của nền âm nhạc hiện thực, thì đối với chủ nghĩa hình thức “ Formalismi” lại không thể nói được điều này. Trong những sáng tác của các nhạc sỹ thuộc chủ nghĩa hình thức đã mất đi tính tư tưởng, mất đi những âm điệu sống động của ngôn ngữ âm nhạc, không còn phong cách dân tộc riêng biệt của mình nữa. Từ cái kết quả đó của chủ nghĩa hình thức đã dẫn đến khuynh hướng âm nhạc tiên phong “Avantgrardisme”. Nó xuất hiện vào năm 1910 ở Ý, sau đó ở Pháp và một số nước khác. Đại biểu của trường phái này là Pendereski, nhạc sỹ Ba Lan sinh năm 1933 ở Đenbica, nhạc sỹ Schaffer người Ba Lan sinh năm 1929 tại Krakop. Họ đã sáng chế ra hệ thống sáng tác mới gọi là âm nhạc cụ thể “Concrefle musique” và âm nhạc điện tử “ Électron musique”. Đặc điểm của loại âm nhạc này cụ thể là sử dụng phương pháp lắp ráp và pha trộn những âm thanh được ghi trên băng nhựa, còn âm nhạc điện tử thì tạo ra những âm thanh theo lối đồ thị hóa bằng hệ thống máy móc điện tử.

Sự xuất hiện các trào lưu âm nhạc Châu Âu ở thế kỷ XX là một quy luật tất yếu của tiến trình lịch sử xã hội, nó đã mở ra một chân trời mới cho lối tư duy bằng ngôn ngữ hòa âm hiện đại. Đáng chú ý hơn cả và được đánh giá rất cao đó là nghệ thuật hiện thực Tây Âu (Bartok, Briten và các nhà soạn nhạc khác), những sáng tác của họ đã gây được ấn tượng sâu sắc bằng tài nghệ cao, bằng tư tưởng nhân đạo và quan điểm thẩm mỹ tiến bộ.

Ngôn ngữ hòa âm trong âm nhạc thế kỷ XX là một vấn đề vô cùng phức tạp, việc nghiên cứu nó không chỉ dừng lại ở các phương tiện và các thủ pháp mà cần thiết phải mở ra một phạm vi nghiên cứu rộng lớn hơn và sâu sắc hơn.

Tuy hình thanh nhiều trường phái khác nhau, nhiều sáng tác với bút pháp rất hiện đại như vậy nhưng nhu cầu về thưởng thức thẩm mỹ của quần chúng mới là điều cơ bản. Bởi vậy, một số trường phái chỉ ra đời trong một thời gian rất ngắn sau đó dần lu mờ và bị triệt tiêu bởi vì quần chúng không chấp nhận. Tuy nhiên,  một số trường phái vẫn phát triển duy trì để tạo thành nền âm nhạc của thế kỷ XX. Sự tồn tại bền vững, lâu dài của nó chính là do sự ủng hộ của khán thính giả, đó chính là thước đo cơ bản và khách quan nhất đối với âm nhạc ở bất kỳ một thời đại nào.

                                                                      NGUYỄN XUÂN VŨ

                                      (GĐ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Tiểu vùng Sông Mêkong)