Sức mạnh thuyết phục con người và sức mạnh thi ca trong Nhật ký trong tù
[ Ngày đăng: 04/11/2013 9:07:29 SA, lượt xem: 2518 ]

                                                                   Võ Văn Luyến

 

Nhà thơ Hồ Chí Minh để lại toàn bộ tác phẩm thơ ca, hầu hết bằng thơ chữ Hán. Diện mạo thơ Hán được nhà thơ Hồ Chí Minh tô điểm thêm những nét mới, đẹp và khỏe, có sức chiến đấu cao, có tinh thần nhân đạo bao la vô bờ. Bác dùng thể tứ tuyệt và chữ Hán để làm thơ. Thơ tứ tuyệt của Bác mang phong vị thơ Đường nhưng đã được hiện đại hóa.

 

Tập Nhật ký trong tù có 114 bài bằng chữ Hán, có bốn bài bằng luật thi, một bài cổ phong, một bài đặc biệt (bài ngũ tuyệt có yết hậu) còn 108 bài là thơ tuyệt cú (tứ tuyệt) - trong đó có hai ngũ tuyệt, còn 106 là thất tuyệt. Thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh đã kết hợp được tính trang nghiêm cổ kính của thơ Đường với tính chiến đấu nghị luận của thơ Tống. Dùng hình thức thơ Đường và chữ Hán nhưng tứ tuyệt của Bác lại mang tư tưởng tình cảm dân tộc Việt Nam, mở rộng phạm vi phản ánh nhiều vấn đề to lớn của thời đại. Bác cách tân truyền thống thơ Đường trước hết là cách tân về mặt tư tưởng. Một tư tưởng lạc quan cách mạng, khác với tư tưởng bi quan yếm thế trong thơ cổ. Trong một tứ thơ thôi, như tứ thơ “không ngủ“ thì ta thấy thơ xưa nói cái “đại bi đầu bạch“ vì công danh bất thành là chủ yếu, thì ở  Bác tinh thần lo nước thương nhà và tình nhân loại lại nổi trội. Bác đã phát huy giọng trào phúng rất súc tích, ngắn gọn mà xóay sâu vào thể tứ tuyệt và đưa vào nội dung cách mạng, nhân dân, dân tộc.

Trong Nhật ký trong tù nhiều người cho rằng bài tứ tuyệt Cảm tưởng đọc thiên gia thinhư một tuyên ngôn:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Nhưng theo Giáo sư Phong Lê “Đó cũng chính là tuyên ngôn chung cho cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, trong đó có hoạt động viết“ và ngay sau đó ông lại băn khoăn về chuyện “Ngâm thơ ta vốn không ham“ của Bác, có khi sống đơn giản chỉ “ghi lại một cảnh huống, một tâm trạng, một xúc cảm, trong dạng một nhật ký - thơ hoặc
thơ - nhật ký, theo một cách hiểu và cảm nhận thông thường“
. Dù nghĩ theo hướng nào thì với tinh thần sáng tạo ấy, nội dung tứ tuyệt của Nhật ký trong tùđã hiện đại hóa rất nhiều so với tứ tuyệt cổ điển và thơ cổ điển nói chung. Từ thể loại niêm luật thơ Đường, Bác cũng đã  tiếp thu và sáng tạo. Thơ tứ tuyệt của Bác không bị gò bó vì niêm luật nhưng vẫn giữ được luật. Tứ tuyệt của Bác phần lớn làm theo thể thất tuyệt cổ phong, ba vần và hai vần. Nhà thơ sáng tạo thành loại thơ thất tuyệt tự sự, vẫn giữ được vẻ đẹp cân đối, hài hòa của thơ Đường nhưng giảm bớt ước lệ, tăng cường tính cụ thể của chi tiết, của hình ảnh .

Về ngôn ngữ Bác dùng Hán ngữ hiện đại (bạch thoại) giản dị, dễ hiểu, mà thông tục nữa để viết Đường luật, không dùng điển cố. Những yếu tố thuộc các phong cách chức năng khác đưa vào ngôn ngữ thơ là cả một quá trình sáng tạo, một sự cách tân mạnh dạn  về quan niệm cũng như thế giới quan của người sáng tác. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi trong Nhật ký trong tù   của Hồ Chí Minh, người đọc đã tìm thấy nhiều từ ngữ chỉ chất liệu thô mộc vẫn chưa được quen dùng trong thơ ca như: Cái răng rụng, những nốt ghẻ, con rệp... Ngay cả câu thơ cũng được hiện đại cốt không làm phương hại đến nội dung, trường hợp Cháu bé ở nhà lao Tân Dương chẳng hạn:

Oa...! Oa...! Oaa...!

Cha trốn không đi lính nước nhà;

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,

Phải theo mẹ đến ở nhà pha

(Cháu bé ở nhà lao Tân Dương)

Sáng tạo nghệ thuật là sáng tạo quan niệm. Cái quan niệm chi phối toàn bộ sáng tạo của mỗi nhà thơ, nhà văn. Không thấy được điều này nên nhiều người chỉ chứng minh thơ Bác hoặc giống cổ điển hoặc hiện đại mà thiếu đi cá tính, phong cách nhà thơ đóng dấu vào một thể loại như tứ tuyệt. Hình thức chính là cuộc sống, cuộc sống thay đổi hình thức phải thay đổi theo, nhưng làm đổi thay từ ý thức chủ quan trên một hình thức cụ thể như tứ tuyệt của mỗi người lại khác nhau, mỗi thời mỗi khác nhau, mỗi lúc mỗi khác nhau. Tứ tuyệt Hồ Chí Minh đậm nét cổ điển, nhưng cổ điển mà không phải cổ thi, nghĩa là thoạt xem giống cổ thi, đọc kỹ thấy không hẳn thế. Chỗ giống nhau là cảm hứng thiên nhiên phong phú, là sự hòa hợp giữa con người và tạo vật, là phong độ ung dung tự tại của nhân vật trữ tình.Nhưng chỗ khác nhau là ở tinh thần thép như Bác nói, có nghĩa là không phải hình ảnh người quân tử khi xử thế, nhà hiền triết ẩn dật chốn lâm tuyền mà là người chiến sĩ cải tạo thế giới:

Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

(Đi đường)

Một đặc điểm của cổ thi là cảm quan phi thời gian: Nhà thơ thường một mình đối diện với vũ trụ bao la, thái độ ung dung như đứng hẳn ra ngoài thời cuộc nhiễu nhương, ra ngoài dòng chảy của thời gian. Thơ Bác không phải như thế. Đọc Nhật ký trong tù,thấy nhân vật trữ tình Hồ Chí Minh, một mặt có cái tự do bên trong của con người hoàn toàn tự chủ vì biết mình đang đồng hành với lịch sử trên từng bước đi tất yếu của nó, đồng thời lại là một chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết bị giam cầm giữa không khí sôi sục khẩn trương của phong trào giải phóng dân tộc, có cái nóng lòng sốt ruột đến đau đớn. Hình ảnh Bác trong tập thơ tù không phải con người đứng ngoài thời gian mà trái lại sống cao độ từng giây, từng phút:

Một canh...hai canh... lại ba canh,

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành;

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

(Không ngủ được)

Hoặc

Trời xanh cố ý hãm anh hùng,

Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng;

Tấc bóng nghìn vàng, đau xót thực,

Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung?

(Tiếc ngày giờ)

Do đứng ngoài thời gian, không gian trong cổ thi có xu hướng tĩnh hóa, đó còn do khuôn khổ tứ tuyệt hạn chế sự vận động của tứ thơ. Tác giả Hồ Chí Minh khắc phục có hiệu quả những khó khăn trên. Cách tiếp cận trực tiếp tạo chất sống cho thơ và giải tỏa được thế tĩnh, thúc đẩy hình tượng thơ vận động. Hướng vận động từ thiên nhiên đến xã hội, hiện tại đến tương lai, từ gian khổ đến niềm vui, từ riêng đến chung.... là qui luật phổ biến trong thơ tứ tuyệt của Bác. Kể ra, “tư duy thơ cổ cũng có vận động nhưng là sự vận động vòng tròn, vận động tự hoàn thiện mình theo chu trình kín, vận động  xoay quanh một triết lý, còn tư duy thơ hiện đại là sự vận động giải tỏa, phát triển theo mạch thẳng, tiến tới một triết lý” .

Ngoài ra, bút pháp tứ tuyệt cổ điển và Nhật ký  trong tù giống nhau ở tính hàm súc cổ điển, là lối chấm phá vài nét đơn sơ mà rất đỗi tài hoa như muốn truyền đi linh hồn của tạo vật, nhưng chỗ khác là sự xâm nhập mạnh mẽ của bút pháp phóng sự, bút ký. Nhật ký trong tù “bản tốc ký nội tâm“:

Thà chết chẳng cam nô lệ mãi

Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền;

Xót mình giam hãm trong tù ngục,

Chưa được xông ra giữa trận tiền

(“Việt Nam có bạo động” nguồn

tin xích đạo trên báo Ung Ninh)

Thể tứ tuyệt ở Nhật ký trong tù đi vào lòng người đọc không chỉ phản ánh phần nào bức tranh tâm hồn của Bác, mà còn cho thấy đóng góp xứng đáng của Bác vào thể tứ tuyệt Việt Nam, đưa nó vào trường lực hiện đại hóa. Antôcônxki, nhà thơ Xô Viết cũ, dịch giả tập Nhật ký trong tùnhận xét: “Trước mắt chúng ta có khoảng hơn 100 bài thơ tứ tuyệt có sức mạnh thuyết phục con người và sức mạnh thi ca to lớn“. Thiết nghĩ, sức mạnh ấy còn được nhà thơ thổi sức sống mới vào một thể thơ, giúp nó hiện đại dần từng bước.