A A+
NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG
[ Ngày đăng: 11/11/2022 22:21:17, lượt xem: 328 ]

Tường Trân làm cho tôi hết sức ngạc nhiên và ấn tượng với ý nghĩ: làm thế nào thương lượng với thời gian để có thể sống mãi với thanh xuân. Thanh xuân của Trân có những nụ cười tỏa nắng của “nam thanh, nữ tú” 12A thân yêu! Thanh xuân của Trân là biết bao kỷ niệm đáng nhớ trên dãy hành lang lớp học, là sân trường một chiều lá vàng rơi…Đặc biệt, thanh xuân của Trân có nụ cười hiền và ánh mắt chan chứa yêu thương của cô giáo chủ nhiệm. Sắp sửa xa trường, xa cô, Trân viết bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc.

 

Ngô Tường Trân - HS lớp 12A- Trường PTLC CĐSP QT

      Tường Trân làm cho tôi hết sức ngạc nhiên và ấn tượng với ý nghĩ: làm thế nào  thương lượng với thời gian để có thể sống mãi với thanh xuân. Thanh xuân của Trân có những nụ cười tỏa nắng của “nam thanh, nữ tú” 12A thân yêu! Thanh xuân của Trân là biết bao kỷ niệm đáng nhớ trên dãy hành lang lớp học, là sân trường một chiều lá vàng rơi…Đặc biệt, thanh xuân của Trân có nụ cười hiền và ánh mắt chan chứa yêu thương của cô giáo chủ nhiệm. Sắp sửa xa trường, xa cô, Trân viết bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc.

     Xin giới thiệu cùng bạn đọc “Người lái đò thầm lặng” của Ngô Tường Trân nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

 

NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG

 

“Đời người làm gì có ai đi qua hai lần tuổi trẻ. Những năm tháng vừa lẫn tiếng cười vì biết thêm nhiều điều hay, vừa lẫn những giọt nước mắt của những lần vấp ngã và thất bại. Sau này, khi nghĩ lại sẽ chỉ còn là những kỉ niệm đẹp, đẹp đến không thể quên” . Câu nói ấy luôn làm chạnh lòng không chỉ với các bạn trẻ mà cả với các bậc phụ huynh.

               Một chút bâng khuâng!

           Một chút  tiếc nuối!

    Trong chúng ta, ai trưởng thành mà không đi qua những năm tháng học trò cùng thầy cô, bè bạn. Nơi đó có bầu trời tuổi trẻ, có nhiệt huyết thanh xuân, có cả những lời yêu chưa kịp nói. Mỗi cấp học, tôi được gặp một người thầy, người cô mà tôi yêu quý, kính trọng. Mỗi người  dạy mỗi môn học khác nhau và tính cách không ai giống ai nhưng mục đích cuối cùng của họ là từng bước dạy ta nên người, dạy ta kiến thức, dạy ta biết sống thế nào khi cuộc sống khó khăn. Người lái đò tri thức đã cho tôi biết được những giá trị cao cả ấy không ai khác chính là cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - người mẹ thứ hai của lớp tôi. 

Cô Nguyệt Ánh là giáo viên bộ môn Sinh học và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi ba năm cấp ba. Bình thường, các học sinh khác gọi cô là “cô Ánh” nhưng lớp tôi gọi cô là “mẹ Ánh”. Cô quan tâm, chăm sóc, yêu thương chúng tôi như đứa con ruột của mình. Mẹ Ánh là một giáo viên thẳng thắn, nghiêm túc. Mẹ yêu thương tất cả nhưng không bao che, dung túng mỗi khi chúng tôi lỗi lầm.Sâu thẳm trong lòng mẹ là một trái tim ấm áp, thương yêu học trò, luôn âm thầm tận tụy truyền những điều tốt đẹp đến cho chúng tôi. Mẹ luôn quan tâm đến những bạn có hoàn cảnh khó khăn, luôn trao tình thương âm thầm  để các bạn có tinh thần học tập tốt. Những điều mẹ nói, mẹ chia sẻ, tôi đều nhớ và thấy được cảm xúc mỗi ngày trong đôi mắt mẹ. Tôi luôn nhắc nhở các bạn phải làm cái này cái kia, chuẩn bị bài đầy đủ, học bài cũ trước khi lên lớp để mẹ không phải mệt mỏi khi nhắc nhở chúng tôi.

Ngay từ đầu năm, khi bước chân vào lớp mười, tôi đã thấy tự hào khi được làm học trò của mẹ. Mặc dù chỉ mới gặp lần đầu nhưng bạn tôi đã bảo rằng: “Ê, may là gặp cô chủ nhiệm vừa hiền vừa đẹp”. Chúng tôi xôn xao bàn về cô chủ nhiệm mới và cũng vì lí do đó mà ngày tựu trường ai cũng tươi như hoa xuân. Chưa học thì chưa biết, học rồi mới biết càng tiếp xúc lâu, tôi thấy mẹ rất nghiêm túc trong vấn đề nền nếp và học tập. Mẹ không phân biệt ai học giỏi hay kém, ai ngoan hay chưa ngaon, miễn là học trò của mình thì mẹ xem như là con cháu trong nhà. Tôi thích nhất những lúc mẹ giảng bài và vui mừng khi lớp có thành tích tốt.

Mẹ Ánh cũng trạc tuổi mẹ tôi: khoảng ba mươi chín – bốn mươi tuổi. Mẹ tôi ngày nào cũng nhắc nhở tôi cái này cái kia, sống như thế nào để vài ba năm nữacó công việc đàng hoàng, có người tôn trọng. Mẹ Ánh cũng vậy, mẹ luôn khuyên lớp phải ngoan trong giờ học, phải gắng lấy được bằng tốt nghiệp, phải cư xử thái độ tốt, tập làm quen khi còn đang tuổi ăn học để sau này đi làm sẽ có kết quả tốt:“Gắng học đi! Vài bữa ra trường thích làm gì thì làm, làm gì cũng phải có cái bằng mười hai. Bạn nào khá thì đi Đại học, còn không thì đi học nghề cũng được, ít gì cũng có công việc mà làm chứ không để ba mẹ lo mãi được.”. Câu nói tuần nào mẹ cũng nhắc chúng tôi, tôi nghe nhiều đến nỗi thuộc lòng câu mẹ nói. So với khoảng thời gian đầu của lớp mười, gần đây, lớp tôi xuất hiện thêm một số trò nghịch ngợm. Có lẽ, do ai cũng cảm thấy ngày chia tay tuổi học trò đang đến gầnnên muốn dành cho nhau những kỷ niệm đáng nhớ của tuổi “nhất quỷ, nhì ma…”Dù lớp tôi nghịch ngợm nhiều như thế, giáo viên bộ môn và mẹ đã đôi lần khổ sở , chúng tôi đã có với nhau một thời thanh xuân đẹp nhất.

 Kỉ niệm xuyên suốt ba năm mà tôi không thể nào quên đó là vào ngày 26/03/2021, ngày hội Đoàn viên của trường tôi - trường Phổ thông liên cấp Cao Đẳng Sư phạm Quảng Trị. Trước ngày 26/03 vài ngày, mẹ và chúng tôi cùng nhau chuẩn bị và bàn những việc cần làm trong ngày đó, nhưng tôi không ngờmẹ đã chuẩn bị trước và chúng tôi chỉ cần làm theo yêu cầu của mẹ. Mẹ đã chỉ cho lớp biết chỗ nào chặt tre để trang trí tủ đồ, chỗ nào lấy lá cọ dầu, làm tủ bỏ thức ăn như thế nào… Đêm 25/03, vì sợ ngày mai không có tủ để thức ăn, chúng tôi vừa tập văn nghệ xong là lên ngay trên trường để làm, loay hoay suốt ba tiếng đồng hồ vẫn chưa xong nên quyết định về nghỉ ngơi, sáng mai lên sớm làm tiếp. Điều làm chúng tôi có năng lượng vào buổi sáng hôm sau nhất là mẹ đã nhờ người chở lên cho lớp một tủ đồ khác và chúng tôi chỉ cần trang trí. Mẹ phụ chúng tôi bày dọn, cắt hoa quả để chuẩn bị vào cuộc thi. Trong lúc diễn ra cuộc thi ấy, có một số bạn ngồi chơi, mẹ chạy tới bảo: “Mấy em ra ngoài phụ các bạn một tay chứ sao mà ngồi đây chơi ”. Lúc đấy, đứa nào đứa nấy lon ton chạy ra phụ giúp nhau, thiếu cái gì đi mua cái đó. Đúng là “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” vì thế cả cuộc thi thành công suôn sẻ, chúng tôi không ai trách ai, tươi cười chọc ghẹo nhau đủ điều.

Gần cuối buổi, cả lớp chụp ảnh thì gọi mẹ:“Cô ơi, vào chụp ảnh”, mẹ bảo: “Thôi chụp đi, cô xấu lắm”. y thế mà chúng tôi vẫn dắt tay mẹ vào chụp vài kiểu ảnh làm kỉ niệm. Những tấm ảnh hôm ấy ai nấy đều tươi cười và đẹp đẽ như những đóa hoa chớm nở. Đến chiều, chúng tôi có cuộc thi văn nghệ ở buổi lễ của Đoàn trường,mẹ quan tâm hỏi han ân cần:“Chuẩn bị, trang điểm xong chưa?”, “Còn ai chưa tới nữa không?”… Chúng tôi vui vẻ đáp lại mẹ: “Sẵn sàng tư thế giành giải nhất rồi cô ơi!”. Tôi thích dáng vẻ lúc đấy của mẹ, mẹ cười tươi như hôm đó là ngày hạnh phúc nhất. Mẹ đưa tay chỉnh lại áo quần và tóc tai cho chúng tôi: “Chà, hôm nay đứa nào cũng xinh ra hết hè!”. Sau bao nhiêu gian nan, cực nhọc khi phải vừa tập văn nghệ vừa phải chuẩn bị cho 26/03, chúng tôi giành được giải ba toàn Đoàn, giải nhất văn nghệ toàn trường. Bế mạc buổi lễ, lớp nhận được phần thưởng của trường, mẹ đưa cho chúng tôi một ít để đi ăn và bảo: “Cầm chừng này đi ăn uống cho đỡ mệt, còn lại cất cuối năm liên hoan to hi”. Lúc đấy, tôi hạnh phúc không nói nên lời khi có một người cô tâm lý, thương yêu học trò như mẹ Ánh. Tôi biết, ngày hôm đó ai cũng mệt mỏi rã rời, muốn về nhà thật nhanh để ngủ nhưng ngày chưa hết thì tiệc chưa tàn, buổi tối chúng tôi tổ chức liên hoan và mời mẹ đi thì mẹ bảo:“Thôi mấy đứa đi cẩn thận, cô phải về lo cơm nước ở nhà”,.Thế nên,lớp đành hẹn mẹ ở dịp khác hoành tráng và ý nghĩa hơn.

Ngày 26 tháng 3 hôm đó, có lẽ là kỉ niệm in sâu nhất trong lòng tôi, làm cho tôi thấy được khoảnh khắc đẹp nhất của thời cấp ba và càng yêu mẹ nhiều hơn. Mẹ ân cần, quan tâm lớp từng li từng tí. Mẹ như ánh hào quang rực rỡ soi sáng những bước chân của chúng tôi, cẩn thận tỉ mỉ đưa lớp đến đích một cách an toàn. Mẹ làm giáo viên chủ nhiệm ba năm nhưng tôi thấy chỉ như mới ngày hôm qua bởi tình cảm của tôi đối với mẹ vẫn còn vẹn nguyên như ngày đầu gặp mẹ. Tôi quý mến, trân trọng, yêu thương mẹ, thấu hiểu  được sự cực nhọc, khó khăn mà mẹ phải trải qua suốt ba năm chủ nhiệm lớp. Trong tôi, mẹ là người lái đò thầm lặng, quan tâm chúng tôi từng chút một để rồi mục đích cuối cùng là làm lớp vui vẻ thoải mái, dạy lớp nên người.

“Đờingười chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài không phí”. Câu nói của Nikolai A.Ostrovsky đã khiến tôi đặt ra một câu hỏi lớn: “Tôi sẽ phải thương lượng với thời gian như thế nào để có thể sống mãi ở tuổi thanh xuân?”. Thật vậy, thời gian cứ thế trôi, tuổi tác ngày càng lớn hơn nhưng tuổi thanh xuân tươi đẹp ấy không thể phai nhòa khỏi kí ức của tôi. Chỉ vài tháng nữa thôi, chuyến đò của mẹ sẽ cập bến đưa chúng tôi bước xuống những vùng đất mới. Thành thật mà nói, tôi không biết mình nên làm gì và phải làm gì để thể hiện được rằng: “Tôi rất biết ơn và yêu quý mẹ”, mẹ đã dạy cho tôi biết những giá trị cốt lõi khi đang ngồi trên ghế nhà trường, dạy tôi biết trân trọng những điều tốt đẹp ở hiện tại. Tôi hy vọng người mang tri thức cho chúng tôi luôn vui vẻ, tràn ngập niềm tin trong cuộc sống và thành công với sự nghiệp dạy học của mình. “Mẹ ơi, mẹ chính là nguồn sống của những đứa con lớp 12A này!”.

 

 
Đang trực tuyến: 98
Tổng lượt truy cập: 7190907
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }