A A+
GIẢNG ĐƯỜNG DẤU YÊU
[ Ngày đăng: 20/10/2022 03:47:59, lượt xem: 247 ]

Tôi gặp cô giáo có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn này ngay từ buổi đầu em về nhận công tác tại trường. Sau đôi lần trò chuyện và đặc biệt sau vài lần nghe em nói trên sân khấu, tôi ngỡ ngàng: “Chất văn lấp lánh trong từng câu chữ”! “Giảng đường dấu yêu” là một chút bâng khuâng, hoài niệm! Một chút xao động khi thu về! Nghĩa tình sâu nặng với mái trường dấu yêu sẽ còn mãi cùng tháng năm dẫu thời gian có đưa bao kỷ niệm lùi xa!

 

                   Thạc sĩ Võ Thị Bích Thủy- P. Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính & CTSV

          

Tôi gặp cô giáo có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn này ngay từ buổi đầu em về nhận công tác tại trường. Sau đôi lần trò chuyện và đặc biệt sau vài lần nghe em nói trên sân khấu, tôi ngỡ ngàng: “Chất văn lấp lánh trong từng câu chữ”!

          “Giảng đường dấu yêu” là một chút bâng khuâng, hoài niệm! Một chút xao động khi thu về! Nghĩa tình sâu nặng với mái trường dấu yêu sẽ còn mãi cùng tháng năm dẫu thời gian có đưa bao kỷ niệm lùi xa!

          Xin giới thiệu cùng quý độc giả dòng cảm xúc ngọt ngào này nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt nam (20/11/1982- 20/11/2022)

 

GIẢNG ĐƯỜNG DẤU YÊU

 

Tôi về trường vào một ngày đầu thu. Tháng tám miền Trung thường nắng gắt, nhưng ở một nơi như trường tôi có lẽ do trời đất đơm duyên nên mỗi người đến đây đều cảm thấy nhẹ nhàng bởi vẻ hài hòa của cảnh vật. Vài tia nắng sót lại rơi khẽ bên hàng cây cuối sân trường. Gió vẫn rì rào xô những tán lá xà cừ trĩu nặng bỡi thời gian.

Năm tháng dần qua. Ngần ấy thời gian không phải là dài với mỗi đời người nhưng đủ để nhuần thấm những trải nghiệm. Chợt thấy lại cảm xúc xưa cũ trào về thổn thức như mới ngày nào mới bước chân vào nơi này. Ngày đó, khi mới về trường, tôi bất ngờ gặp một người bạn cũ thời trung học. Tay trong tay, tôi nhớ mãi lời bạn nói: "Cuộc đời này gặp nhau là cơ duyên và được gặp nhau trong đời là hạnh phúc lắm rồi". Tự nhủ, đúng là cơ duyên. Nói rồi chúng tôi cùng đi giữa sân trường đầy nắng và ngập tiếng cười trong trẻo của sinh viên trong giờ nghỉ chuyển tiết.

“Khoa Tự nhiên nằm trên tầng 3 khu nhà A”.Theo tay bạn chỉ, tôi ngước nhìn lên ô cửa sổ ngay sau tán xà cừ và bỗng thấy xao xuyến lạ thường. Chúng tôi đi một vòng quanh ban công. Một cảm giác rất lạ. Cái cảm giác vừa xa xôi vừa gần gũi. Chúng tôi băng qua sân trường. Những gương mặt đôi mươi tròn trịa, đầy đặn, tràn trề sinh lực mà tưởng chừng như chỉ cựa mình thôi cũng đủ để vỡ òa thành những giọt sương lóng lánh. Rồi bạn đưa tôi qua ban công giữa khu nhà E và F. Bây giờ chúng tôi vẫn thường đến đó, nhất là những trưa hè. Nhìn ra mảnh đồi phía sau khu ký túc là một hồ nước thật đẹp. Gió lộng từ Hồ Khe Mây của buổi chiều tháng tám mang lại cảm giác thật yên bình. Mỗi lần đứng ở đây chúng tôi lại ấp ủ những khát khao. Khát khao về một ngôi trường vươn lên, chuyển mình trong một ngày không xa. Một chiếc cầu bắc qua hồ, xa xa là những khu giảng đường với những hàng cây xanh rợp bóng, một sân vận động đa năng thật lớn, giảng đường rộng thênh thang, sạch sẽ. Rồi không biết cơ man nào là hoa. Hoa trên giảng đường, hoa dành cả lối đi, hoa chen với nắng. Tôi lại nhớ đến đại học Sakhon Nakhon (Thái Lan) – nơi mà chúng tôi từng đến trong một chuyến Hội thảo. Bạn nói: “Chắc chắn sẽ có một ngày trường chúng mình sẽ làm được hơn thế. Thủy nhắm mắt lại. Im lặng và nghĩ đến tương lai. Những con đường rải nhựa trải dài cho ôtô nằm ngay trong khuôn viên trường. Phong lan treo khắp các cành cây cổ thụ. Khu ký túc ngăn nắp và hiện đại. Phía dưới chân đồi xa xa là khu vườn thực nghiệm sinh học…” Chúng tôi đứng nhìn ra xa trong yên lặng. Cứ như thể, cái yên lặng đó đưa chúng tôi đến với tương lai. Chúng tôi nghĩ nhiều đến tương lai với một giấc mơ thật đẹp. Và quá khứ là những miền xa vắng thanh tao. Chúng tôi không huyễn hoặc, vì chúng tôi có sức trẻ, có tình yêu và niềm tin vào một chân trời xanh mát.

Tôi đến nơi này và được gặp lại bạn đây dường như không phải tình cờ. Người ta nói sự tình cờ thường mang đến nhiều điều thú vị. Tôi nghĩ không tình cờ mà đó cơ duyên. Cơ duyên này cho tôi một nơi trải nghiệm bao ước mơ, dự định. Một nơi có những con người thân thương đã nâng bước chân tôi, để tôi được lớn thêm và trưởng thành. Để khi vấp ngã thấy mình bớt đau hơn. Cơ duyên cũng đưa tôi đến với Đoàn Thanh niên, để tôi cứ sống mãi với tuổi đôi mươi, để hàng ngày được giữ lửa cho tuổi trẻ. Ngôi trường xinh đẹp này cũng mang đến cho chúng tôi cả những ấp ủ, những khát khao cống hiến. Nhớ những đêm sương lạnh đến một giờ sáng vẫn cùng sinh viên thắp nến và đàn hát trên các nghĩa trang trong các hoạt động của Tỉnh đoàn, nhớ những lúc làm hàng chục chương trình vô cùng áp lực dưới sức ép của mấy ngàn sinh viên và khách mời, nhớ những màn Sử thi hoành tráng của Hội Sinh viên mà khi ấy tôi là chủ tịch, cùng với sinh viên, chúng tôi đã thức đến thâu đêm để làm kịch bản,  để sinh viên có nhiều kỹ năng hơn, để hiểu hơn về lịch sữ, càng thêm yêu đất nước mình hơn. Nhớ những lần dẫn những chương trình lớn của Đoàn buộc tôi phải cẩn trọng từng chi tiết, nhớ nhất vẫn là lần chúng tôi ở Khoa GDMN cùng nhau làm chương trình “Người Thầy đầu tiên”, sân khấu lãng mạn với nhiều hoa loa kèn trắng, đang dẫn mà xúc động đến mức nước mắt cứ chực trào ra… Lại nhớ những đêm nồng nàn bên ánh lửa trại, những điệu nhảy rộn ràng của cả ngàn sinh viên. Hay cả những lúc cô và trò cùng ngồi khóc bên đống tre nứa làm cổng trại mà trời thì cứ mưa hoài, mưa mãi...Chúng tôi đã sống những năm tháng thanh xuân tươi đẹp như thế.

Còn nhớ lớp Sinh – Hóa K12, lớp mà đến bây giờ vẫn để lại vẹn tròn trong ký ức của tôi. Vào một ngày đầu xuân, cả lớp cứ réo rắt cô lì xì, tôi bí quá lì xì lớp một mẫu chuyện. Tôi lấy một tờ giấy A4 gấp tư mà đêm qua đã kể cho con nghe và bắt đầu đọc. Cả lớp rì rào nói chuyện. Đến câu thứ tư, thứ năm…các em ngồi im phăng phắc. Đến hết đoạn một, rồi đoạn hai…tôi nghe có tiếng sụt sùi. Rồi vỡ òa. Tôi nếm những giọt nước mắt của chính mình và hình như lẫn cả nước mắt của những học trò yêu thương. Lạ thay! Những giọt nước mắt rất ngọt và ấm. Tôi nhớ mãi đó là chuyện về Tiến sĩ  Harvard An Kim Bằng – một cậu học trò nghèo với hành trình đến HCB Olympic Vật lý và HCV Toán học toàn thế giới với ý chí và nghị lực kiên cường cùng tình yêu bao la của người mẹ, người mà đã từng nói “nghèo đói là trường đại học tốt nhất và người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giỏi nhất đời tôi” Rồi đến câu chuyện cảm động về lòng trung thành của chú chó Hachiko với người chủ là một giảng viên đại học, rồi cả những câu chuyện ma quái nhưng rất liên quan đến kiến thức chuyên ngành Giải phẫu và Sinh lý mà tôi dạy,“Kỳ án Ánh trăng”, những đôi mắt tròn mắt dẹt sợ hãi nhưng vẫn năn nỉ,“cô ơi kể tiếp đi”… Những câu chuyện cứ đưa cô trò chúng tôi băng qua những miền cổ tích. Càng thấy cuộc đời cứ rộng thêm ra và đáng sống để yêu thương, trân trọng. Để rồi cô và trò cứ khất nhau. Thôi thì, cứ nợ cho mãi còn duyên!

Làm sao quên được những ngày nắng ơi là nắng, cái nắng miền Trung chắc đã thành “đặc sản” trong tâm trí nhiều người khách lạ. Bao du khách  đến đây và bảo sao nắng gắt thế mà nữ sinh viên trường tôi vẫn cứ trắng đến lạ. Cứ như sắc trắng của nắng ăn vào trong da, trong thịt. Cái khô cằn cũng không quật ngã được sức sống của cỏ cây. Bạn bảo chúng tôi là Hoa của vùng khó. Mà khó thật, khó trăm bề, bởi sinh viên có mười thì hết chín là đến từ những vùng quê nghèo, từ ruộng lúa, vườn tiêu. Cái chất quê đó hiền như đất, ngọt như mía tháng ba, thấm đượm vào từng bài học của trò, bài dạy của cô. Nhớ những hứng khởi trong giờ sêmina mà quên cả tiếng chuông. Sinh viên tìm tòi tư liệu, tự tin thuyết giảng trên những phương tiện công nghệ hiện đại. Chao ôi là tự hào! Rồi nhớ những lúc cô và trò chát đến tận khuya trên diễn đàn trực tuyến về một vấn đề khoa học hóc búa. Hay chỉ là những chia sẻ qua những dòng comment ngọt ngào. Rồi cả những cậu học trò trắc trớ, bảo là em thấy thực tế thế này, thế kia…Cả cô và trò cùng bàn luận sôi nổi, đôi lúc tôi tìm kiếm hết ngôn từ nhưng không thể nào diễn đạt hết những ngóc ngách của cuộc đời. “Em ơi, cuộc sống luôn muôn màu. Nó chẳng hồng. Chẳng xanh. Và chắc chắn là không xám xịt. Nhưng ở đâu còn tình yêu, ở đó cuộc sống sẽ tươi màu” – Tôi gỡ bí bằng câu nói ngày xưa của một người tri kỷ khi chúng tôi rời giảng đường và chia xa. Cả lớp cùng cười. Chao ôi là nhớ!

Trong hành trình của cuộc đời, chưa bao giờ tôi sẽ nghĩ mình làm việc trong một ngôi trường sư phạm. Ngày xưa khi chia tay nhau thời phổ thông, trong giờ học tiếng Anh cuối cùng, một người bạn xin phép cô giáo lên tặng cả lớp chúng tôi chữ WAS trên bảng. 12A1 trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị nằm cạnh bên Thành Cổ, chúng tôi ngày ấy thi nhau đoán già đoán non. Trí tưởng tượng tuổi mười tám thời ấy sao mà phong phú đến thế. Rồi bạn tôi nói đó là chữ viết tắt của câu: WE ARE SUCCESS mà bạn muốn gửi gắm. Cả lớp cùng cười. Tiếng cười vỡ òa cả không gian. Ấy thế, tôi cứ nghĩ mình sẽ bay bổng với một ước mơ ngày xưa cũ, rong ruổi trên những cung đường tới các vùng đất xa xôi không biên giới hay với những hành trình an sinh xã hội. Hay những thứ đại loại thế. Nhưng rồi cơ duyên đã đưa tôi đến bục giảng. Bỏ lại đằng sau những dự định của cuộc đời. Để rồi bây giờ nếu bạn có hỏi, tôi đang làm việc ở đâu, tôi có thể tự hào để nói rằng: Tôi dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Hay: Tôi là giảng viên.

Gian khó vẫn còn đó. Nhưng chúng tôi vẫn cần mẫn từng ngày góp phần nhỏ bé của mình để gìn giữ và phát triển ngôi trường với bề dày lịch sữ hơn 60 năm, nơi đây các thế hệ Nhà giáo bằng trí tuệ và tâm huyết đã dày công xây dựng và vun đắp. Cơ duyên ấy cũng phảng phất những nỗi phiền muộn không tên, nhưng đó chỉ là những cơn gió trái mùa làm tăng sức đề kháng cho cơ thể xuân thì. Cuộc đời cứ đưa chúng tôi đi qua bao miền thương, miền nhớ. Có khi là cận kề cả tử sinh. Mười bốn năm, ngoài bốn mươi, giữa dòng đời bề bộn khiến người ta có thể lãng quên nhau. Nhưng khi bước chân vào trường, nhìn những khuôn mặt trong trẻo của sinh viên, tôi dường như quên đi những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống thường nhật. Tôi vẫn mãi đi tìm, trong cái mênh mông của tri thức nhân loại, là sự ấm lòng bởi những tình cảm yêu thương của đồng nghiệp, của bao thế hệ học trò, là niềm tin sắt son một ngày mai tươi đẹp. Tôi đã từng rất sợ hãi khi đọc cuốn “Cô độc giữa vũ trụ” - Một tiểu thuyết chất chứa nhiều nỗi niềm về nhân sinh quan. Để rồi bây giờ chợt nhận ra giữa cuộc đời bao la mình không cô quạnh. Những tình cảm ấm áp tôi như muốn ôm thật chặt, như cứ sợ sẽ tan biến đi. Bao thế hệ sinh viên cứ đi qua, các thế hệ thầy cô cứ thầm lặng hy sinh và cống hiến. Chúng tôi cảm thấy hình như mình không có tuổi. Thời gian, với những ai bên ngoài cánh cổng trường có thể rất đáng ngại, với chúng tôi, tâm hồn sinh viên như những đơn thuốc trường sinh bất tử.

Từ chiếc radio công cộng văng vẳng bài hát mà tôi rất thích “Em đứng giữa giảng đường hôm nay mà niềm vui trong lòng dâng đầy…” Bạn nắm tay tôi thật chặt. Chúng tôi đi lên một con dốc hun hút ngập lá vàng. Nhìn lên phía đồi, nơi ấy có một giảng đường dấu yêu…

                                            Quảng Trị, những ngày cuối thu …

 
Đang trực tuyến: 83
Tổng lượt truy cập: 7163703
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }