Chiều 11/4/2025, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Câu lạc bộ các trường Cao đẳng Sư phạm đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Hướng đi của các trường Cao đẳng Sư phạm trong giai đoạn hiện nay”. Sự kiện thu hút sự tham dự của đại diện Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các nhà quản lý giáo dục, cùng lãnh đạo, cán bộ đến từ các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng và Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đặt ra yêu cầu cao về việc sắp xếp lại hệ thống các trường cao đẳng sư phạm. Điều này mở ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cơ sở đào tạo giáo viên.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Phạm Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa, Vũng Tàu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường Cao đẳng Sư phạm – nhấn mạnh vai trò của các trường cao đẳng sư phạm trong việc cung ứng nguồn nhân lực giáo viên cho hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông tại các địa phương trong suốt mấy chục năm phát triển của ngành giáo dục. Báo cáo hoạt động cũng trình bày các nội dung về hoạt động của Câu lạc bộ các trường Cao đẳng Sư phạm và gợi ý những vấn đề đặt ra đối với các trường trong giai đoạn hiện nay để đại biểu dự Tọa đàm tham gia thảo luận và góp ý.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, xoay quanh nhiều vấn đề thiết thực như: duy trì mô hình đào tạo sư phạm trong bối cảnh sáp nhập với các trường đại học đa ngành; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; ứng dụng công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường tự chủ tài chính và thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất.
TS. Đặng Văn Định – đại diện Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam – nhận định: theo xu hướng tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục có năng lực sẽ dần chuyển sang mô hình quản trị bởi hội đồng trường, không còn chịu sự quản lý trực tiếp từ cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 23 cơ sở được thí điểm mô hình này. Do đó, việc trao quyền và nâng cao năng lực quản trị cho các trường là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Tại tọa đàm, đại diện các trường Cao đẳng Sư phạm trên cả nước đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thích ứng với bối cảnh quy hoạch lại hệ thống giáo dục theo Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Trường CĐSP Lạng Sơn cho rằng, các trường cần chủ động lựa chọn phương án chuyển đổi phù hợp như: sáp nhập với trường đại học sư phạm; trở thành phân hiệu của đại học đa ngành trong vùng; hoặc duy trì mô hình độc lập nếu có đủ điều kiện. Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình cần căn cứ vào năng lực đào tạo, tiềm lực đội ngũ, định hướng phát triển địa phương và nhu cầu thị trường lao động
Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh cơ hội từ việc sáp nhập vào trường đại học, giúp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cũng cảnh báo về thách thức trong tuyển sinh, thiếu đội ngũ giảng viên đạt chuẩn đại học, và nguy cơ làm lu mờ sứ mệnh đào tạo sư phạm nếu không có chiến lược rõ ràng
Trường CĐSP Nam Định chia sẻ kinh nghiệm tăng cường hoạt động bồi dưỡng giáo viên mầm non. Nhà trường đã xây dựng nhiều chuyên đề thiết thực như giáo dục cảm xúc – xã hội, STEM/STEAM, và kỹ năng số, đồng thời đổi mới cách thức tổ chức bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với thực tiễn địa phương
Trường CĐSP Quảng Trị giới thiệu mô hình trường phổ thông trong cơ sở Cao đẳng Sư phạm – một cách làm sáng tạo nhằm tận dụng tốt cơ sở vật chất, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm thực hành, gắn học với thực tiễn. Đây được xem là mô hình có thể nhân rộng tại các địa phương
Các ý kiến tại tọa đàm cũng nhấn mạnh: trong quá trình quy hoạch lại hệ thống giáo dục, cần cân nhắc giữ lại một số trường cao đẳng sư phạm có vai trò dẫn dắt hoạt động giáo dục và đào tạo ở các địa phương, đặc biệt ở các địa phương khó khăn, để đảm bảo nguồn giáo viên và tính đa dạng trong mô hình đào tạo.
Buổi Tọa đàm là dịp để các trường chia sẻ thực trạng, học hỏi kinh nghiệm và đề xuất các mô hình chuyển đổi phù hợp với bối cảnh mới. Nhiều sáng kiến và mô hình hay đã được giới thiệu, mở ra những gợi ý quan trọng cho việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững của các trường Cao đẳng Sư phạm trong thời gian tới.
Một số hoạt động tại buỏi toạ đàm:







