A A+
MÙA DÃ QUỲ THƯƠNG NHỚ
[ Ngày đăng: 17/10/2022 21:22:53, lượt xem: 231 ]

Thạc sĩ Lương Thị Tố Uyên – Đảng ủy viên- Trưởng khoa GDPT là một người yêu thích văn chương và đam mê viết từ nhỏ. Văn của cô nhẹ nhàng, mộc mạc với những câu chuyện nhỏ xinh trong cuộc sống hàng ngày.

 

 
 

        Thạc sĩ Lương Thị Tố Uyên – Đảng ủy viên- Trưởng khoa Giaó dục phổ thông.

Thạc sĩ Lương Thị Tố Uyên – Đảng ủy viên- Trưởng khoa GDPT là một người yêu thích văn chương và đam mê viết từ nhỏ. Văn của cô nhẹ nhàng, mộc mạc với những câu chuyện nhỏ xinh trong cuộc sống hàng ngày.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022), website nhà trường xin giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn. “Mùa dã quỳ thương nhớ” như một lời tri ân đến các thế hệ nhà giáo đã miệt mài “cõng chữ lên non”, thắp nên những ước mơ bình dị trên hành trình đi tới ngày mai của trẻ em vùng cao.

 

MÙA DÃ QUỲ THƯƠNG NHỚ

Đã mấy mùa dã quỳ, nó đứng đầu con dốc vời vợi nhìn về phía sau những dãy núi xanh thẫm. Ngày chia tay cô giáo, nó mới chỉ là một cậu bé đen nhẻm, tóc cháy nắng, đỏ quạch, nước mắt lưng tròng, mếu máo: “Cô nhớ trở lại! Đừng quên nơi này cô nhé!”. Cô giáo lau vội dòng nước mắt, ôm lấy nó: “ Cô sẽ trở lại! Bài đánh vần cô đã dạy xong đâu!”. Gió lạnh thổi về từ sau núi đá. Nó cứ đứng nhìn theo bóng cô khuất dần phía chân dốc. Bao lần chia tay cô giáo về xuôi, không hiểu sao lần đó nó nghe lòng nặng trĩu, mơ hồ một nỗi lo sợ. Nó sợ cô giáo không quay lại nữa.

Năm lên 6 tuổi, nó mồ côi mẹ. Mẹ nó mất trong một lần đi làm rẫy về. Cơn mưa rừng bất chợt đã làm cho nước từ thượng nguồn đổ về như thác. Dòng nước hung dữ đã đưa mẹ  mãi mãi xa ba bố con nó, xa những bữa rau cháo trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo bên vách núi! Chuẩn bị vào lớp một, nó chưa có sách, bút, áo, quần. Từng chiều, nó cõng đứa em trai ốm đau, quặt quẹo ra đầu ngõ ngóng bố.Nhá nhem tối, bố nó trở về nhà trong chếnh choáng cơn say. Nó không biết rượu có làm cho bố bớt buồn không nhưng với nó, mỗi chiều như vậy nó lại thấy nhớ mẹ vô cùng.

Ngày mấy đứa bạn gần nhà đến rủ đi học, nó đã lặng lẽ quay đi, ngăn dòng nước mắt đang chực rơi. Nhiều lần, nó cõng em mon men đến bên cửa lớp, nhìn say sưa vào trong và thì thầm đánh vần theo đám bạn. Khi tiếng trống tan trường cùng bài hát: “ Hôm qua em tới trường, mẹ dắt em từng bước..” cất lên, nó lại lầm lũi cõng em quay về, đứng ở góc sân đợi bố.

Dã quỳ bắt đầu nở. Loài hoa mong manh thường đến cùng cái hanh hao, se sắt của tiết trời âm u xám ngắt của mùa đông nên dường như sắc vàng tươi lại càng rực lên giữa cuộc sống hoang dã. Dã quỳ như những đốm lửa được ai đó rắc xuống cho những ngày đông giá. Ở bản làng xa xôi, heo hút của nó, dã quỳ như dải nắng chiều còn sót lại trước hoàng hôn. Màu vàng như ngọn lửa thắp trong lòng những cư dân nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc…thứ màu gần gũi với bãi bờ, ruộng nương!

 Trong một chiều mùa đông se sắt nhớ mẹ và thẫn thờ mong bố, nó thấy thấp thoáng dưới chân dốc bóng một người phụ nữ miền xuôi đang đi về hướng nhà nó. Từ ngày lũ dữ đưa mẹ đi, con dốc này, ngôi nhà này vắng hẳn bước chân của  phụ nữ . Không hiểu sao, nó để mặc đứa em đang khóc ngằn ngặt, bò lê la trên nền nhà để chạy trốn vào phía sau căn bếp và hé mắt vào phên nứa quan sát. Người phụ nữ có gương mặt hiền lành và mái tóc ngang vai cúi người bước qua bậc cửa, bế em nó lên và nhìn quanh nhà. Thấy người lạ, em nó càng khóc to hơn. Nghe tiếng khóc lớn của đứa em trai tội nghiệp, nó chay nhanh vào nhà, lấm lét nhìn người lạ rôi đưa tay bế em. Nó lí nhí không thành tiếng.

- Cô là cô giáo ở miền xuôi mới lên. Chỉ có 2 anh em cháu ở nhà thôi à? Bố cháu đâu?

Hoàng hôn xuống nhanh. Tiếng muỗi vo ve phía góc nhà. Căn bếp lạnh ngắt. Bỗng dưng nó òa khóc nức nở.

Cô giáo đứng lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay nhem nhuốc của nó và nghẹn ngào nói:

- Cô sẽ gặp bố  để xin cho cháu đến lớp! Ngày mai cô sẽ mua sách, bút cho cháu!

Những chiều sau đó, cô giáo lại đến cùng với anh em nó đứng ở góc sân đợi bố nó về. Mấy ngày liền như vậy mà cô giáo chưa nói được vì lần nào cũng vậy, bố nó chỉ trở về nhà khi đã say mèm. Có lần, bố nó còn lớn tiếng đuổi cô ra khỏi nhà với lý do: “Tôi chẳng biết cô là ai!”.Sợ nó buồn, cô cúi xuống, thì thầm : “ Không sao đâu! Ngày mai cô lại đến! Cuối cùng thì bố nó cũng miễn cưỡng đồng ý cho nó đến lớp nhưng…phải cõng thêm em đi cùng!

Buổi đầu đến lớp, cô giáo dắt tay nó, nó cõng đứa em đang ngủ gà, ngủ gật trên lưng.Trong những bài đánh vần đầu tiên của nó, có tiếng quấy khóc của đứa em trai nhỏ, tiếng yêu thương, ấm áp của cô giáo, tiếng mẹ vọng về từ bạt ngàn xa xăm…Nó bắt đầu theo kịp đám bạn. Nó đã đọc được những từ khó.Nét chữ đã thẳng hàng. Cô giáo nhìn anh em nó, ánh mắt rưng rưng.

Một năm sau, cũng vào một ngày mùa đông se gió. Dã quỳ lưng chừng dốc bắt đầu bung cánh, nó nghe mấy đứa bạn cùng lớp thì thầm: “ Cô giáo ốm rồi. Cô sắp về xuôi để chữa bệnh.”. Nó nghe cay cay sống mũi. Chạy ra một góc sân, nó vội vàng ngước nhìn lên đỉnh dốc mịt mù làn mưa bụi để ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra. Mờ sáng hôm sau, khi bố và em đang ngủ, nó len lén ngồi dậy, bỏ vào trong túi nilon mấy quả bắp khô và bức tranh nó vẽ cô giáo đang cài bông dã quỳ trên tóc rồi vội vàng chạy ra đầu dốc đứng chờ.

Lạnh cắt da. Nó kéo cái áo trùm lên đầu, bồn chồn chờ giây phút chia tay!

Từ đằng xa, trong làn mưa giăng, dường như cô đã nhìn thấy nó, cô bước nhanh hơn. Đưa tay đỡ lấy cái túi nilon nó đưa, cô nói rất nhanh:

·        Cô không sao, chỉ là ốm nhẹ thôi! Lành bệnh, cô sẽ quay lại với em, với lớp!Cô hứa!

Nó ôm chầm lấy cô giáo, nước mắt giàn dụa:

          -Ngày nào, cháu cũng sẽ đứng ở triền dốc này để đợi cô. Cô đừng quên nhé!

          Mấy hôm sau, nó nghe người ta nói cô giáo bệnh nặng, chắc phải chữa trị trong một thời gian dài. Tiết học đánh vần buồn tênh. Giờ ra chơi, nó ngồi lại góc lớp, lặng lẽ vẽ lại tấm hình cô giáo bên bông dã quỳ hé nở. Vẫn nụ cười ấy, vẫn ánh mắt ấy nhưng sao lần này nét vẽ cứ chênh chao!

Những ngày sau đó, những tháng sau đó, những mùa dã quỳ sau đó, nó vẫn thẫn thờ trên con đường nhỏ, nhìn về phía xa kia. Nó chờ ngày cô giáo quay trở lại. Nó tin là cô sẽ quay về khi dã quỳ nhen lửa sưởi mùa đông để giúp những đứa trẻ vùng cao như nó viết tiếp những vần thơ rắn rỏi trên hành trình cuộc đời còn nhiều khó nhọc nhưng cũng tràn đầy hy vọng, ước mơ.

Men theo lối dã quỳ, nó như thấy mùa đông không còn giá lạnh,

Men theo lời hẹn, nó chợt nghe câu hát ngân nga: “ Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây. Cô giáo em trẻ trẻ, dạy em hát rất hay…”

Nó như thấy bóng cô giáo thấp thoáng trên con đường nhỏ cùng nụ cười hiền và mái tóc xõa ngang vai.

 

                                                          Quảng Trị, tháng 10/ 2022

 

 
Đang trực tuyến: 50
Tổng lượt truy cập: 7191376
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }