A A+
NGƯỜI THẦY KHÔNG THEO KHUÔN MẪU
[ Ngày đăng: 11/11/2022 22:32:39, lượt xem: 346 ]

Gặp lại Hương Giang - thủ lĩnh đáng yêu của 12C vào một ngày tháng 11 trên sân trường vàng nắng. Vẫn nụ cười hiền, vẫn sợi tóc mai lòa xòa trên vầng trán nghiêng nghiên, Giang thỏ thẻ: “Em gửi cô những dòng này thay cho lời tri ân sâu nặng nhất của em đến các thầy, cô giáo. Đặc biệt là đến người thầy giáo mà em vô cùng kính yêu”. Tôi thích giọng văn này – hiền lành, chân chất như chính con người Giang. Lời yêu thương em nói khiến cho những người làm nghề dạy học cảm thấy đủ để gọi là hạnh phúc! Lời thương quá đỗi ngọt ngào!

 

Trần Thị Hương Giang- HS lớp 12C- Trường PTLC CĐSP QT

Gặp lại Hương Giang - thủ lĩnh đáng yêu của 12C vào một ngày tháng 11 trên sân trường vàng nắng. Vẫn nụ cười hiền, vẫn sợi tóc mai lòa xòa trên vầng trán nghiêng nghiên, Giang thỏ thẻ: “Em gửi cô những dòng này thay cho lời tri ân sâu nặng nhất của em đến các thầy, cô giáo. Đặc biệt là đến người thầy giáo mà em vô cùng kính yêu”. Tôi thích giọng văn này – hiền lành, chân chất như chính con người Giang. Lời yêu thương em nói khiến cho những người làm nghề dạy học cảm thấy đủ để gọi là hạnh phúc! Lời thương quá đỗi ngọt ngào!

Nhân mùa tri ân, xin giới thiệu cùng bạn đọc “ Người thầy không theo khuôn mẫu” của Hương Giang.

 

NGƯỜI THẦY KHÔNG THEO KHUÔN MẪU

 

Có một người thầy cực kỳ phong cách trong mắt của hết thảy chúng tôi. Chúng tôi đi từ ấn tượng cảm tính ban đầu đến yêu mến, ngưỡng mộ thầy lúc nào không rõ.Đó là người thầy có thể không mang áo sơ mi, quần tây lên lớp. Đó là người thầy có thể không giống hình tượng, không theo bất cứ một khuôn mẫu nào. Nhưng lạ thay, mọi sự phá cách ở thầy đều đem lại cho chúng tôi bao điều thú vị. Những giờ lên lớp say sưa mà không cần đến giáo án soạn sẵn trên tay. Cái dáng vè bề ngoài  phong trần một tí, bụi bụi một tí đó lại là người thầy tôi luôn quý trọng - thầy Hoài Nam.

Kể từ ngày tôi vào lớp 10, đến nay đã gần 03 năm gắn bó với thầy qua môn tiếng Anh. Thế mà tôi vẫn nhớ như in, tiết học Anh văn đầu tiên năm lớp 10, thầy không bắt đầu vào nội dung tiết học ngay mà dành thời gian chào hỏi, làm quen với lớp trước. Song, không chỉ năm đầu tiên thầy mới làm vậy, mà năm nào cũng thế, mọi tiết học "đầu tiên" của các năm học mới, thầy đều dànhthời gian để hỏi han, quan tâm lớp. Thầy luôn muốn khoảng cách giữa người đứng lớp và học trò - khoảng cách giữa hai thế hệ được thu hẹp hơn, luôn muốn thấu hiểu chúng tôi theo cách bạn bè ngồi nói chuyện cùng nhau. Những ngôn ngữ, cá tính, tâm lí của chúng tôi thầy gần như đều hiểu cả. Tôi nghĩ, cái thấu hiểu đó không hoàn toàn có được từ việc thầy cũng từng là con nít, từng là học sinh như bọn tôi. Bởi lẽ, mỗi thời đại sẽ luôn có những khác biệt. Chính vì thế, tôi nghĩ sự thấu hiểu mà thầy có là bởi thầy cố ý học tập, cố ý tìm hiểu. Và dĩ nhiên sự “cố ý” đó là vì bọn tôi - lũ trò của thầy.

Những tiết học của thầy bọn tôi được dạy theo cách riêng dễ hiểu. Học với thầy, bọn tôi được giảm đi nhiều nỗi sợám ảnh môn tiếng Anh. Có những lúc phát biểu sai, bọn tôi lại được cười sảng khoái trong sự chọc ghẹo hài hước của thầy thay vì thấy ngại ngùng xấu hổ. Với bọn tôi, thầy luôn cởi mở, tạo không khí dễ chịu, thoải mái nhất.

Tâm lí là thế, vui vẻ là thế song cũng có những lúc bọn tôi khiến thầy buồn, khiến thầy bực. Đó là những lần lớp tôi phạm lỗi mất trật tự trong lớp. Không phải là không học bài cũ, không phải là làm bài tập sai, càng không phải là không hiểu bài, mà đó là nói chuyện trong lớp. Với thầy, sự im lặng, lắng nghe lúc thầy giảng bài là quan trọng hơn cả. Thầy nói đó là sự tôn trọng tối thiểu nhất mà bọn tôi có thể làm cho giáo viên. Thầy vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, với thầy năng lực không quan trọng bằng thái độ cư xử. Có lẽ không chỉ riêng thầy, mọi thầy cô giáo của trường tôi đều như vậy, thầy cô luôn coi trọng cái tâm, thái độ học tập hơn cả, đặt sự lễ phép lên trên hết. Điều này cũng giống như sự kì vọng của các bậc sinh thành dành cho đứa con nhỏ bé của mình: không đòi con phải tài, chỉ mong con sống tròn chữ tâm đức; không cầu cho con giàu sang phú quý, chỉ cần con một đời bình an. Phải chăng những người yêu thương ta luôn đắn đo, lựa chọn để kì vọng những điều tốt nhất cho ta song không khiến ta cảm thấy áp lực.

Tôi nhớ có một tiết học rất đặc biệt- tiết tiếng Anh cuối cùng của lớp 11. Hôm đó chúng tôi chẳng học thêm từ vựng, ngữ pháp hay kiến thức Anh văn nào cả. Tiết học hôm ấy thầy không đứng ở bục giảng, không hề giảng bài, không ở vị trí bàn giáo viên. Đó là tiết đầu tiên của thầy mà chúng tôi lại được nói nhiều hơn và thầy là người nghe chép - như đổi vị trí cho nhau thường ngày. Thầy cho mỗi nhóm bốc một câu hỏi, trong những câu ấy chỉ toàn hỏi về điều mong muốn thầy thay đổi để giúp chúng tôi học tốt hơn môn tiếng Anh. Hôm ấy có ý kiến đưa ra rằng, mong thầy biết kiểm soát cơn giận của mình. Tôi nhớ thầy sau khi nghe ý kiến đó liền nói rằng "Cái ni thấy đồng ý!". Có lẽ khi ấy, thầy nghĩ rằng lúc nóng giận thầy mất kiểm soát khiến chúng tôi thấy sợnên mới có ý kiến như vậy. Nhưng tôi lại biết, mong muốn ấy không phải chỉ xuất phát từ sự sợ hãi cơn giận của thầy, mà đó là mong muốn sau những lần chứng kiến cơn buồn bực, thất vọng của thầy. Bởi kết thúc cho những lần nổi nóng ấy là điếu thuốc được châm lên trên tay thầy, ở ngoài hành lang. Lúc này, mặt thầy chẳng còn sự cau có, tức giận nữa, thay vào đó là vẻ mặt buồn bã, suy tư. Và có lẽ, điều khiến chúng tôi sợ nhất không phải là những lời nạt nộcủa thầy, mà là không dám đối diện với sự thất vọng hiện trên gương mặt thầy. Sau cùng, mong muốn ấy được nói trước lớp cũng là từ sự quan tâm, yêu mến: nóng giận, thuốc lá đều không tốt cho cơ thể và sức khỏe. Vì thế, để những điều tiêu cực ấy không xuất hiện, chúng tôi luôn cố gắng khắc phục những lỗi sai, hoàn thiện bản thân tốt hơn mỗi ngày. 

Tôi nhớ mãi một khoảnh khắc, một cảm giác vui sướng. Sáng hôm ấy, một ngày đầu tuần, ánh nắng vàng ấm áp đang trải bóng trên cô gái cấp ba mang áo đồng phục đỏ thắm, góc bên kia sân trường thầy đang chụp ảnh cho một cô giáo trường Cao đẳng. Khi ấy tôi vô tình đi ngang qua, thầy nhanh chóng chuyển máy ảnh hướng vào tôi, nói với cô đang chờ: "Tui chụp ảnh học trò của tui đã!”. Khoảnh khắc nghe lời nói ấy, tự nhiên lòng tôi rạo rực vui sướng lạ thường, “học trò của tui”- tôi nghe thấy trong câu nói ấy có tình yêu thương, cả sự tự hào. Lời nói ấy vang lên dường như khiến ánh nắng hôm ấy thêm ấm áp, làm hát lên trong lòng tôi một mùa áo trắng, khiến tán hoa giấy nhiều màu đang lay khẽ trên tường rào cũng bỗng lung linh hơn bao giờ hết. Có một khoảnh khắc, có một lời nói, đã luôn cấp dưỡng chất nuôi lớn tình cảm bè bạn, trường lớp, thầy cô trong lòng tôi.

Thầy tôi là người lên lớp không bằng những trang giáo án cầm tay. Là người lấy bục giảng ngang nơi bọn tôi ngồi học. Là người thấy 45 phút quá dài để giảng những con chữ khô khan song lại quá ít ỏi để hỏi han, quan tâm, thấu hiểu nhau. Là người không bao giờ dạy ngay từ những phút bắt đầu tiết học đầu tiên (đầu tiên của năm học, đầu tiên của năm mới, đầu tiên sau chuỗi ngày học online, đầu tiên sau những ngày nghỉ bão lũ,..). Là người đã dành tiết tiếng Anh đầu tiên năm lớp 10 để gặp gỡ, làm quen và dành tiết đầu tiên lớp 12 để lo lắng cho kì thi tốt nghiệp của lớp. Thầy Hoài Nam là người không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn, thành công hơn cả là đã cho chúng tôi biết môn tiếng Anh không quá đáng sợ. Dù tiếng Anh không phải là sở trường thế mạnh thì chúng tôi vẫn có thể vui vẻ khi đến tiết của thầy chứ không cần quá lo lắng, căng thẳng. Có lẽ sự thành công của một người đứng lớp không phải là học sinh luôn đạt điểm 10 mà là sự thoải mái, yêu thích môn học của mình hơn một chút qua từng ngày, là khi học sinh có thể sẻ chia mọi điều trong cuộc sống song vẫn tôn kính hết mực. Và tôi đã thấy thầy tôi làm được những điều ấy.

Thầy cô - hai từ quen thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày ấy lại vô cùng cao cả lớn lao. Là người dìu dắt từng nét chữ, từng bài học lớn bé- những điều luôn đồng hành và lớn lên cùng cuộc đời chúng ta. Là người chiếm giữ vị trí quan trọng trong cuốn phim thanh xuân học đường!

   “Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng”

Nếu nói khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường là một chuyến đò và thầy cô là người cầm lái, thì có lẽ chúng tôi là người người lữ khách sang sông. Chúng tôi rồi sẽ rời đi. Song, một đời người đâu chỉ có một chuyến đò? Có lẽ với tôi chuyến đò để lại nhiều kí ức, cho nhiều tri thức và tình yêu nhất là chuyến đò mang mã số 2020-2023 và một trong những người cầm lái ấn tượng gieo nhiều hoài nhớ chính là thầy tôi: người thầy không theo khuôn mẫu!

 

 
Đang trực tuyến: 122
Tổng lượt truy cập: 7161777
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }