A A+
Sống đẹp như... Ngọc
[ Ngày đăng: 08/10/2012 3:25:53 SA, lượt xem: 2669 ]

“Căn bệnh nan y khiến hình dong Ngọc gầy guộc, nước da tái xanh nhưng chẳng thể dập tắt nụ cười trên môi em. Ngọc yêu cuộc sống, yêu trang sách đến mức những người khỏe mạnh như tôi phải thán phục” – Tâm sự của thầy Cáp Xuân Tuấn, trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thôi thúc chúng tôi tìm gặp em Nguyễn Thị Bích Ngọc. Và rồi, câu chuyện cảm động về một nữ sinh sống đẹp như chính tên gọi của mình bắt đầu...

Lớn lên cùng căn bệnh nan y

Em thường ví mỗi giọt nước mắt là một hạt ngọc – thứ trang sức quý trùng với tên khai sinh của mình. Có lẽ vì thế mà Ngọc rất hay cười. Chống chịu với căn bệnh nan y, em bình thản như thể cơn đau đã lặn sâu vào trong và hoàn toàn biến mất. Ấy thế mà rất nhiều thầy cô đã rơi nước mắt vì Ngọc. Chẳng phải bởi em lười học, thiếu lễ phép. Cũng không vì Ngọc dùng căn bệnh của mình “để mua tình thương” từ mọi người. Những giáo viên từng dạy em không giấu được nỗi xúc động khi cảm nhận rõ nghị lực phi thường của cô học trò nhỏ.

Những tấm giấy khen của chị em Ngọc được bố mẹ cất giữ cẩn thận
và xem như một thứ tài sản quý của gia đình

Ngọc là con cả trong gia đình. Lúc sinh ra, em kháu khỉnh và rất khỏe mạnh. Cái tên Bích Ngọc gắn với niềm tin của bố mẹ rằng mai này, em sẽ thực sự là “viên ngọc quý”. Biến cố xảy đến khi Ngọc 9 tháng tuổi, em thường xuyên đau bụng từng cơn. Lo lắng cho bệnh tình của con, bố mẹ đưa Ngọc vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Thế rồi, gia đình nhận được hung tin, em mắc hội chứng Peutz Jegher. Đây là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới. Tại Việt Nam, y văn trong nước mới phát hiện 6 trường hợp mắc hội chứng này. Chị Tôn Nữ Bích Loan, mẹ của Ngọc chia sẻ: “Khi nghe bác sĩ bảo đây là căn bệnh nan y, vợ chồng tôi như gục xuống. Dẫu không nói ra nhưng tôi cảm nhận rằng, sắp tới, cả gia đình sẽ sống trong chuỗi ngày đẫm nước mắt”.

Từ đấy, cuộc sống của Ngọc bắt đầu gắn với giường bệnh. 5 tuổi, em bước vào ca phẫu thuật đầu tiên và phải cắt toàn bộ đại tràng. Sau phẫu thuật, nhiều bác sĩ đã rơi nước mắt bởi biết rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm duy trì sự sống của bệnh nhân. Cứ thế, trung bình ba năm một lần, Ngọc lại phải nhập viện để phẫu thuật. Gần đây nhất, do bệnh tình quá nặng, các bác sĩ đã phải đưa ruột non ra ngoài, làm hậu môn nhân tạo để Ngọc có thể đi vệ sinh hàng ngày.

Không chỉ chống chịu cơn đau trong những ca phẫu thuật kéo dài, mỗi năm hai lần, Ngọc còn phải nhập viện để cắt bỏ polyp tái phát ở hậu môn, ruột và dạ dày. Ngọc chia sẻ: “Khoảng thời gian trước khi phẫu thuật thật đáng sợ. Suốt một tháng liền em không thể ăn uống gì. Cứ mỗi lần ăn là lại nôn ra máu. Thường thì các bác sĩ chỉ còn cách truyền thuốc để giúp em có thêm sức lực”.

Nhiều thời điểm, cả gia đình đã chuẩn bị... hậu sự cho Ngọc bởi nghĩ rằng em sẽ không qua khỏi. Năm 2004, Ngọc nhập viện sau ca phẫu thuật lần thứ 2. Lúc này, bụng em trương lên, người khô như xác ve... Nhìn những dấu hiệu trên cơ thể bệnh nhân, các y bác sĩ khuyên gia đình đưa em về để lo hậu sự. Hôm ấy, đúng 28 tết, người thân từ khắp nơi tề tựu ở nhà Ngọc để chuẩn bị đưa tiễn em. Trong cơn mê sảng, lắng nghe Ngọc nói qua kẽ răng: “Con muốn sống”, “Con muốn đi học”..., ai cũng khóc. Thế mà, sau 10 ngày chống chọi với căn bệnh, Ngọc tỉnh lại trong sự kinh ngạc của các y bác sĩ và người thân. “Sau lần thoát khỏi lưỡi hái Thần chết này, em càng thấm thía giá trị của cuộc sống. Em tự nhủ mình phải cười nhiều hơn, hòa đồng hơn... để không sống phí những ngày còn lại” – Ngọc bùi ngùi tâm sự. Có lẽ vì thế mà về sau, các ca phẫu thuật và cả những lần nhập viện cắt polyp không làm Ngọc rơi nước mắt như trước, em cười nhiều và ánh mắt dường như lấp lánh hơn.

Học để... sống

Thông thường, một người khỏe mạnh nuôi chí học hành với niềm tin về tương lai tươi sáng. Riêng Ngọc, đèn sách chính là cả niềm vui và sự đam mê. “Em cảm giác mình đang chênh vênh đi trên chiếc cầu. Gia đình và trường học chính là hai thanh vịn để em vững tin hơn” – Ngọc bộc bạch.

Ít ai biết khi phát hiện Ngọc mắc bệnh nan y, bố mẹ đã thống nhất cho em ở nhà để tiện bề chăm sóc. Ngày ngày, thấy bạn bè cắp sách đến trường, lòng Ngọc thấp thỏm chẳng yên. Nhiều lần, cô bé níu áo bố mẹ xin đi học. Thương con, bố mẹ Ngọc đành đồng ý. Trước ngày nhập học, cả nhà còn ngoắc tay hứa với nhau sẽ hạn chế số người biết về bệnh tình của Ngọc để em được bình đẳng như bạn bè.

Đến trường, Ngọc xem việc nghe thầy cô giảng bài, xung phong phát biểu, thảo luận cùng bạn bè... là niềm vui. Nhiều lúc căn bệnh khiến em chẳng thể cầm nổi cây viết nhưng Ngọc vẫn cố gắng. Các giáo viên trường Tiểu học Hùng Vương giờ vẫn nhớ chuyện cô học sinh lớp 5 – Nguyễn Thị Bích Ngọc trải qua đợt thi học kỳ. Thời điểm ấy, căn bệnh của em tái phát. Vậy mà, buổi sáng trước khi thi, Ngọc vẫn gượng dậy, nhờ bố chở đến trường vì sợ bị... lưu ban. Bố mẹ Ngọc và thầy cô phải sắp xếp một chiếc giường nhỏ đặt ở cuối lớp để em nằm nghỉ mỗi khi đuối sức. Cứ thế, thời điểm Ngọc hoàn thành môn thi cuối cùng cũng là lúc gia đình tức tốc đưa em vào Huế để phẫu thuật. Và, đó không phải là kỳ thi duy nhất Ngọc làm bài trên giường bệnh.

Điều trị dài ngày nên thời gian học trên lớp của Ngọc bị ảnh hưởng đáng kể. Em khắc phục bằng cách tự học. Thành thông lệ, cứ mỗi lần nhập viện, Ngọc lại mang theo một chiếc cặp đựng đầy sách vở. Trước và sau mỗi ca phẫu thuật, em tập trung ôn bài, xem đây là liều thuốc để “vỗ về” nỗi đau trên cơ thể. Nhờ thế, Ngọc vẫn theo kịp chương trình học của trường. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Đến giờ, ngay cả bác sĩ trực tiếp điều trị cũng không ngờ Ngọc có thể duy trì sự sống bền bỉ như thế. Về phần mình, Ngọc thường bảo chính trang sách đã tiếp thêm sức lực cho em. Vì vậy, Ngọc vẫn quyết tâm đi học sau khi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Trở thành sinh viên lớp Kế toán K16, Ngọc giữ “nguyên tắc” không để nhiều thầy cô, bạn bè biết về căn bệnh nan y đang phát triển trong cơ thể mình. Khi bố mẹ chở đến lớp, bao giờ Ngọc cũng yêu cầu dừng xe ở ngoài cổng để bước vào trường như những sinh viên khỏe mạnh khác. Ngay cả chuyện đăng ký nghỉ môn thể dục cũng là “việc bất đắc dĩ” đối với em. Cô Huỳnh Thị Kim Ngân, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc tâm sự: “Thấy Ngọc gầy gò, xanh xao, nhiều bạn nghĩ em bị đau tim hay mắc một căn bệnh nhẹ nào đó thôi. Ở lớp, Ngọc luôn ngồi bàn đầu, chăm chỉ nghe giảng, hay phát biểu và thảo luận rất sôi nổi. Đối với giáo viên chúng tôi, có những học sinh như vậy thực sự là niềm hạnh phúc”.

Nỗ lực học tập của cô bé mắc bệnh nan y bước đầu đã thu được thành quả. Học kỳ I, năm vừa qua, Ngọc dẫn đầu lớp với điểm tổng kết 8,36. Với thành tích ấy, em còn trở thành chủ nhân của học bổng “Chắp cánh ước mơ”, “Hoa tình thương”... Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất đối với Ngọc là nhận được sự tin yêu của thầy cô, bè bạn. Ở lớp, Ngọc trở thành “trò cưng” của nhiều thầy cô và là “gia sư” cho các bạn

Bước vào học kỳ II vừa qua, Ngọc lại nhập viện sau trận ốm kéo dài. Các bác sĩ chỉ định phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức và chẩn đoán tỉ lệ thành công còn chưa đến 30%. Điều đáng mừng là sau một tháng ròng đấu tranh giữa sự sống và cái chết, Ngọc dần bình phục. Cô bé giàu nghị lực giãi bày: “Trong lúc hôn mê, em mơ nhiều về những năm tháng đến trường. Em muốn được bố mẹ chở đi học, ngồi nghe giảng, trao đổi bài với các bạn... Em nghĩ mình phải sống bằng mọi giá”. Vừa dứt lời, cô bé mang tên một loại trang sức quý bất chợt ghì chặt cuốn giáo trình vào vết mổ đang liền sẹo. Thỉnh thoảng, sau khi phẫu thuật, em lại đối mặt với cơn đau quặn thắt như vậy. Thế nhưng, Ngọc vẫn cố giữ vẻ mặt bình thản. Em nhìn ra ô cửa sổ và khẽ mĩm cười. Ngoài kia, nắng đang lên..

Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP

 
Đang trực tuyến: 42
Tổng lượt truy cập: 7185623
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }