A A+
XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TÍCH CỰC: GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ.
[ Ngày đăng: 17/10/2022 22:25:23, lượt xem: 377 ]

Nâng cao và tôn trọng vị thế giáo viên là một trong những nội dung cần được chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.” là một trong những phát biểu thể hiện tâm huyết của một nhà làm công tác quản lý cơ sở thực tiễn của Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị có trong một bài viết đã đăng trong kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 do Uỷ ban Văn hoá Giáo dục (Quốc Hội) tổ chức. Trong bài viết này, tác giả còn có nhiều quan điểm sâu sắc về vấn đề Văn hóa nhà trường- một vấn đề mang tính thời sự và đang được rất nhiều người quan tâm.

 

Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, thành viên Hội đồng khoa học liên ngành Tâm lý học – Giáo dục học của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED)

 

“Nâng cao và tôn trọng vị thế giáo viên là một trong những nội dung cần được chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.” là một trong những phát biểu thể hiện tâm huyết của một nhà làm công tác quản lý cơ sở thực tiễn của Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị có trong một bài viết đã đăng trong kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 do Uỷ ban Văn hoá Giáo dục (Quốc Hội) tổ chức. Trong bài viết này, tác giả còn có nhiều quan điểm sâu sắc về vấn đề Văn hóa nhà trường- một vấn đề mang tính thời sự và đang được rất nhiều người quan tâm.

Hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022),Website nhà trường xin đăng toàn văn bài viết này.

 

XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TÍCH CỰC:

 GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ

1. Mở đầu:

Tác giả Sumantra Ghoshal ví von về vai trò của văn hóa nhà trường như sau: “Cũng giống như việc đi dạo trong khu rừng Fontainebleau vào mùa xuân làm cho con người ta cảm thấy trong lành và muốn chạy nhảy”.[9]

Vài trò của văn hóa nhà trường không chỉ gần đây mới được đề cập đến. Những năm 30 của thế kỷ XIX, Willard Waller (1932), nhà xã hội học giáo dục, đã đề cập đến khái niệm và vai trò của văn hóa nhà trường. Ông cho rằng mỗi trường học đều có văn hóa riêng của nó, đó là tập hợp các lễ nghi (rituals), truyền thống và các chuẩn mực đạo đức trường học để điều chỉnh các hành vi và các mối quan hệ trong nhà trường. [12]

Các nhà nghiên cứu về xã hội và giáo dục đều cho rằng mọi tổ chức đều có văn hóa riêng của nó. Vấn đề là con người có ý thức được sự tồn tại của nó để xây dựng, quản lý và sử dụng sức mạnh của nó nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả làm việc hay không.

Ở Việt nam, trong những năm gần đây, nghiên cứu về văn hóa tổ chức được quan tâm nhiều hơn và văn hoá tổ chức được nhận diện như một tiêu chí khi xây dựng hoạt động của các tổ chức mang tính chuyên nghiệp. Tầm quan trọng của văn hoá tổ chức ngày càng được chú trọng và được quy định bằng các văn bản luật và văn bản quản lý nhà nước. Ở lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 về “Phê duyệt Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” [3]. Tiếp đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1506/QĐ-BGDĐT ngày 31/5/2019 nhằm thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ [1]. Hiện nay, đối với giáo dục bậc học mầm non và phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định chung nhằm thực hiện toàn ngành bằng Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT  ngày 12/4/2019 quy định Quy tắc ứng xử trong cở sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên [2]. Những văn bản này một phần chứng minh rằng vai trò của văn hóa nhà trường ngày càng được chú trọng bởi vì hơn bất cứ tổ chức nào hết trong xã hội, “nhà trường phải là tổ chức có hàm lượng văn hoá cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá để đào tạo ra những chuẩn mực văn hoá cho xã hội” [10].

Ở trong bài báo này, tác giả muốn khái quát lại các vấn đề chính của văn hóa nhà trường, vai trò của nó trong việc góp phần vào sự phát triển và thành công của một trường học, những vấn đề cần lưu ý trong xây dựng văn hóa nhà trường và cuối cùng là các khuyến nghị dành cho các cơ quan quản lý nhà nước và những người làm chính sách.

2. Văn hóa nhà trương: đặc điểm và vai trò của nó

Một đặc điểm chung của văn hóa là càng ở lâu trong văn hóa đó thì càng ít nhận biết hoặc quan tâm đến sự sự tồn tại của nó. Chỉ khi người ta thoát ra khỏi văn hóa đó và bắt đầu làm việc hoặc sinh sống ở một môi trường mới thì người ta dễ nhận ra văn hóa mà mình đã từng trải qua. Giống như Deal và Perterson (2016) mô tả:

“Khi nhân viên bước vào một ngôi trường mới, họ ngay lập tức chú ý đến các đặc điểm văn hóa của nhà trường. Họ dùng cả trực giác và lý trí để cố gắng hiểu những quy tắc bất thành văn, những kỳ vọng chung ko thể hiện trên văn bản và những quy định “ngầm hiểu”. [4, tr. 8]

Mọi thành viên trong nhà trường và kể cả cha mẹ học sinh đều “cảm nhận” sự tồn tại của văn hóa, nhưng khó mô tả một cách chính xác. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa nhà trường hiện hữu nhưng nó “hiện hữu hiển nhiên” (taken-for-granted aspect). Vì vậy, ít khi trong các cuộc họp chủ đề “văn hóa nhà trường” được thảo luận một cách chính thống như là một nhân tố để cải thiện chất lượng giáo dục. Thi thoảng người ta lại được nghe nhắc đến một vài khía cạnh của văn hóa nhà trường chứ ít khi thảo luận nó một cách toàn diện và tổng thể. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì bản thân văn hóa nói chung rất đa dạng, phức tạp và “mơ hồ”. Văn hóa nhà trường do đó cũng có những đặc tính như vậy. Trong lúc nhiều trường học đang chạy đua để theo kịp sự thay đổi trong giáo dục, văn hóa nhà trường có thể dễ dàng bị bỏ qua do nhà trường có nhiều mối quan tâm cấp bách và cần giải quyết hơn.

Khi có những tiếp cận nghiên cứu khác nhau sẽ có những quan niệm về văn hóa khác nhau, không thống nhất. Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa nhà trường, nhưng tựu chung lại, các định nghĩa của các nhà nghiên cứu đều có các đặc điểm chung và được khái quát như sau: Văn hoá nhà trường là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, chia sẻ, thực hiện và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi trường học.

Văn hóa nhà trường tích cực là một môi trường để nuôi dưỡng khát khao, đam mê cống hiến đối với đội ngũ các nhà giáo, là môi trường để cung cấp nguồn năng lượng tích cực giúp các em học sinh cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để nổ lực học tập và chiếm lĩnh tri thức. Văn hóa nhà trường khó đo đếm được, nhưng sự ảnh hưởng của nó đến sự vận hành và hoạt động của nhà trường là thể phủ nhận. Không phải người ta phóng đại tầm quan trọng đối với việc hiểu biết sâu sắc văn hóa nhà trường là trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường bởi vì chỉ khi hiểu được các giá trị vô hình và hành vi của các thành viên trong cộng đồng nhà trường, lãnh đạo nhà trường mới có thể có các kế hoạch, biện pháp để thay đổi nhằm làm cho văn hóa nhà trường tích cực hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng (ví dụ: Demirtas [5], MacNeil [8]) văn hóa nhà trương tích cực cải thiện tỷ lệ đến trường và thành tích học tập, hạnh phúc của học sinh được nhân lên, giữ chân vào tạo động lực làm việc giáo viên và nhân viên.

3. Thực trạng của văn hóa nhà trường ở Việt Nam

Đất nước mở cửa, chúng ta chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới đã đem lại cho đất nước nhiều cơ hội phát triển và đạt được những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Theo đó là những thay đổi trong lối sống, trong các mối quan hệ, những “giá trị mới” được du nhập, những chuẩn mực đạo đức truyền thống cũng bị ảnh hưởng. Có nhưng “giá trị mới” không phù hợp với đạo đức, truyền thống của dân tộc nhưng lại được giới trẻ đón nhận và cổ xúy. Văn hóa của xã hội thay đổi tất yếu ảnh hưởng đến văn hóa nhà trường. Những “giá trị” mới được du nhập và trong số những “giá trị” mới đó có những giá trị không phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống.

Có thể lấy một vài ví dụ về biểu hiện của sự biến dạng và những biểu hiện xuống cấp của văn hóa nhà trường mà đã được các báo chí chính thống đưa tin: Thanh thiếu niên đua đòi ăn chơi, sa vào các tệ nạn xã hội; thực trạng bạo lực học đường; đạo đức nhà giáo xuống cấp; tình trạng thiếu công bằng, gian lận trong thi cử; chuyện mua bán các kết quả học tập; chạy theo thành tích ảo....      

Có một thực tế mà nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều nhà giáo dục đã từng chỉ ra đối với văn hóa dạy học của nước ta, đó là chúng ta quá coi trọng dạy kiến thức mà lơ là việc trau dồi kỹ năng cho học sinh, nói rộng hơn là dạy người; coi trọng số lượng hơn là chất lượng. Cả một thời gian rất dài trước đây chúng ta đề cao dạy kiến thức và vai trò của người thầy trong truyền thụ kiến thức hơn là kỹ năng tự học, tự sáng tạo của người học. Vì chạy theo thành tích mà và theo số lượng mà chúng ta chưa quan tâm đến phương thức tạo ra sản phẩm đó một cách đầy đủ; dạy thêm học thêm tràn lan; một số nhỏ bộ phận giáo viên thực dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Tất cả những yếu tố đó một phần tạo dựng và ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa nhà trường.

Thực tế, cũng đã có rất nhiều giải pháp của các nhà nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Dưới góc nhìn của một người làm công tác quản lý cơ sở thực tiễn, tác giả cho rằng việc xây dựng văn hóa nhà trường là vô cùng quan trọng, bởi nhà trường là cơ sở nền tảng, là tế bào của hệ thống giáo dục. Cũng như cơ thể người, chỉ khi có được những tế bào lành mạnh thì cơ thể mới phát triển bình thường.

4. Xây dựng văn hóa nhà trường

4.1. Phát huy vai trò của người hiệu trưởng

Xây dựng văn hóa nhà trường bắt đầu từ người hiệu trưởng. Hiệu trưởng được ví là “người tạo dựng văn hóa nhà trường” (school culture builder). Như định nghĩa về văn hóa nhà trường đã được phân tích ở phần trên, nói đến văn hóa nhà trường là nói đến đời sống vật chất, tinh thần của tất cả các thành viên nhà trường. Nó biểu hiện trước hết là trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý và tất cả các yếu tố đó phải được khởi xướng và dẫn dắt bởi người hiệu trưởng chứ không có ai khác. Hiệu trưởng cần phải là người năng động, sáng tạo để dẫn dắt tập thể tạo ra những thành tích và giá trị mới. Một người hiệu trưởng thụ động thì sẽ không bao giờ tạo ra được văn hóa nhà trường năng động và tích cực.

Có nhiều nghiên cứu và thực tiễn hoạt đã chỉ ra rằng, còn nhiều hiệu trưởng trường học thiên nhiều về tính thụ động, trông chờ chỉ đạo của cấp trên, quản lý theo phong cách “đóng tròn vai”, thiếu sáng tạo và cứng nhắc trong điều hành và chỉ đạo. Nghiên cứu của Dimmock và các cộng sự trong các trường học ở Việt Nam cho thấy: hầu hết hiệu trưởng các trường khá là thụ động, chưa chủ động hỗ trợ các sáng kiến đổi mới của giáo viên nhằm cải thiện phương pháp sư phạm và học tập; hiệu trưởng các trường thường nhận thấy vai trò chủ yếu của họ là cung cấp nguồn lực, hoặc đơn giản là “hỗ trợ” bằng cách không cản trở, thay vì áp dụng đầy đủ hơn các vai trò lãnh đạo chuyên môn và chuyển đổi (instructional and transformational leadership roles) [6].

Trong bối cảnh đất nước đang có những bước phát triển và hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và toàn ngành Giáo dục đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, hiệu trưởng phải là những người dẫn dắt cho sự thay đổi. Đổi mới giáo dục phải từ sự thay đổi của hiệu trưởng, muốn giáo dục thay đổi phải thay đổi giáo viên và quan trọng nhất là thay đổi hiệu trưởng, đây là nguyên tắc vàng trong cải cách giáo dục. Hiệu trưởng là chủ trường, hiệu trưởng hiểu nội dung đổi mới giáo dục đến đâu thì dắt nhà trường đó sẽ thay đổi đến đó.

Khi mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành những năng lực, phẩm chất cho học sinh, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính đễ dẫn dắt toàn thể thành viên nhà trường hướng đến mục tiêu đó. Nếu tiếp tục quản lý nhà trường theo cơ chế cũ thì không thể thực hiện công tác đổi mới. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, quản lý nhà trường truyền thống (quản lý theo mệnh lệnh hành chính, theo chỉ đạo từ cấp trên, quản lý tập trung vào sự vụ hành chính nhà trường…) phải cần đổi mới để chuyển sang quản trị nhà trường. Ở đó, “tự chủ”, “tự chịu trách nhiệm” gắn với “trách nhiệm giải trình” phải được dẫn dắt bằng vai trò của hiệu trưởng. Vì vậy, yếu tố cốt lõi là vấn đề dân chủ và tự chủ trong mỗi nhà trường, cần làm sao để các trường được “cởi trói”, phát huy hết khả năng vốn có của nhà trường nói chung và vai trò lãnh đạo và quản lý của hiệu trưởng nói riêng. Văn hóa nhà trường mới phải là văn hóa mà nới đó phát huy quyền dân chủ, sáng tạo, chủ động và không tồn tại “truyền thống” nhất nhất mọi hoạt động đều phải xin ý kiến cấp trên.

4.2. Cải thiện vị thế của giáo viên

Nói đến vị thế là nói đến sự tôn trọng của xã hội nói chung và sự tôn trọng của người học nói riêng đối với giáo viên. Nâng cao và tôn trọng vị thế giáo viên là một trong những nội dung cần được chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

Theo UNESCO, vị thế nhà giáo được hiểu “một mặt là sự trọng thị, thể hiện ở mức độ đánh giá cao tầm quan trọng của chức năng giáo dục và năng lực cần có để thực hiện chức năng của nhà giáo; mặt khác là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác được quy định cho họ trong tương quan với những nhóm nghề nghiệp khác” [11, tr.5]. Nói cách khác, có hai yếu tố chính thể hiện vị thế nhà giáo: (1) Mức lương và thu nhập trung bình của giáo viên (2) Nhận thức của xã hội về trách nhiệm và vai trò giáo dục của nhà giáo.

Cải cách mức lương và thu nhập của giáo viên

Về chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhà giáo, Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam xác định lương giáo viên “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, song vẫn còn nhiều bất cập. Lương của giáo viên còn thấp so với mặt bằng của đời sống kinh tế. Theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, mức lương cao nhất của giáo viên mầm non là 9.506.200 đồng/tháng, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở là 10.102.200 đồng/tháng, tương đương với khoảng 450USD/tháng (5400USD/năm).

So với mức lương của các nước (Bảng 1) công bố năm 2018, mức lương cao nhất của giáo viên Việt Nam bằng 1/2 mức lương trung bình của giáo viên ở Ai Cập (nước có mức lương giáo viên thấp nhất trong 35 nước được khảo sát) và bằng 1/17 mức lương trung bình của giáo viên ở Thụy Sĩ (nước có mức lương giáo viên cao nhất trong 35 nước được khảo sát) [7].

Bảng 1. Mức lương và kỳ vọng về mức lương của giáo viên của các nước (nguồn The Varkey Foundation, 2018, tr, 62)

Những số liệu trên có thể thay đổi theo thời gian, tuy nhiên đã cũng cấp bức tranh tổng thế về mức lương của giáo viên Việt Nam so với các nước.

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng chính để xây dựng và vun đắp cho văn hóa nhà trường. Một trong những yếu tố quan trọng của người giáo viên nhằm góp phần xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh đó là yếu tố về nhân cách, đạo đức của người thầy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đạo đức và nhân cách của từng giáo viên trong một nhà trường là yêu tố quan trọng tác động đến văn hóa tích cực của nhà trường và ngược lại văn hóa tích cực của nhà trường tác động trở lại nhân cách và đạo đức của giáo viên. Đứng trên góc độ của quản lý, giáo viên phải là những người cần toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình mới có thể góp phần xây dựng văn hóa nhà trường tích cực, và người hưởng lợi trực tiếp đó chính là học sinh và gián tiếp là toàn xã hội. Tuy nhiên, với mức lương như hiện nay vẫn khiến họ chưa yên tâm công hiến và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập dẫn đến khó duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo. 

Việc đãi ngộ về tiền lương, về các quyền lợi vật chất là điều rất quan trọng. Xét trên lăng kính của Thuyết bậc thang nhu cầu của Maslow (Maslow’s hirerarchy of needs), khi giáo viên chưa được hài lòng (thỏa mãn) với bậc thang nhu cầu thấp nhất (tiền lương/thu nhập) thì khó tạo động lực để cho họ hướng đến những nhu cầu cao hơn nhằm cống hiến hơn cho nghề, phát triển hết khả năng đóng góp của họ.

Động lực làm việc của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và hành vi công sơ và gián tiếp ảnh hưởng đến văn hóa nhà trường. Thực tế là có rất nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức của giáo viên được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông, vì dụ như không thực hiện hết trách nhiệm của giáo viên ở trên lớp để ép buộc học sinh học thêm. Ngoài lý do như “không trau dồi về đạo đức của nhà giáo”, “không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của giáo viên” thì có một thực tế chúng ta cần chỉ rõ: mức lương của giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống cũng là một trong những yếu tố trực tiếp thúc đẩy những hiện tượng xấu trong giáo dục.

Ngoài việc cần tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của giáo viên; lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của họ vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng, củng cố mối hệ gắn bó giữa giáo viên với học sinh, với đồng nghiệp và nhà trường thì yếu tố “lương và thu nhập” cần được cải thiện. Và như thế, khi môi trường sư phạm mẫu mực được xây dựng trong các nhà trường, người giáo viên được tôn vinh, mức lương đủ tốt để đáp ứng cuộc sống thì việc lựa chọn ngành sư phạm để trở thành các nhà giáo trong tương lai được nhiều học sinh xuất sắc lựa chọn. Với đối tượng tuyển sinh tốt, môi trường đào tạo tốt, chắc chắn chất lượng đào tạo giáo viên trong tương lai sẽ được cải thiện. Và đó cũng là cách để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

          Cải thiện nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về vị thế nhà giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, đã có nghiên cứu chính thức về vị thế nhà giáo. Trung Quốc là nước có nhận thức về vị thế nhà giáo cao nhất trong 35 quốc gia được khảo sát (xem Bảng 2)

 

Bảng 2: Chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu (nguồn The Varkey Foundation, 2018, tr, 10)

Một trong những yếu tố được xác định ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức về vị thế giáo viên ở Trung Quốc là do các đặc điểm của xã hội ảnh hưởng các giá trị Nho giáo. Xã hội Việt Nam cũng có những đặc điểm tương đồng về giá trị văn hóa Nho giáo, trong đó truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn đề cao vai trò của nhà giáo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông làm ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội về nhà giáo làm ảnh hướng đến giáo dục nói chung và vị thế nhà giáo nói riêng. Những cách ứng xử thiếu tôn trọng nhà giáo của xã hội ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa nhà trường, làm cho hình ảnh của nhà trường và nhà giáo bị méo mó. Ví dụ: bắt nhà giáo quỳ xin lỗi, hành hung và xúc phạm nhà giáo của phụ huynh và có nhiều trường hợp học sinh hành hung giáo viên. Tất cả những điều đó đều làm ảnh hưởng đến vị thế của nhà giáo, mà cụ thể là đánh giá của xã hội với nghề giáo nói chung không còn là truyền thống “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Thời gian gần đây thì các nhà giáo dục bàn nhiều về các hình thức kỷ luật học sinh và nói đến vị thế nhà giáo bị hạ thấp trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Thực tế học đường ở trên cả nước cho thấy, những năm gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành học đường như phụ huynh, học sinh đánh, mắng thầy cô dẫn đến mất sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục. Văn hóa nhà trường thiếu đi sự tôn nghiêm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế nhà giáo mà đáng lẽ ra là vị thế của những người làm “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo vì nó tạo ra những con người sáng tạo” phải tuyệt đối được bảo vệ.

Trong rất nhiều nguyên nhân, một phần cũng xuất phát từ những quy định kỷ luật học sinh: như thầy cô không được trách phạt học trò, không được nhắc nhở trước lớp, không có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Ngoài ra, sự nuông chiều của gia đính, sự bất hợp tác của phụ huynh với nhà trường cũng một phần ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường giáo dục “trọng thầy” như truyền thống của dân tộc. Có nhiều bài báo đã chỉ ra rằng “Học sinh luôn trở thành trung tâm, thành “thượng đế” mà thầy cô chỉ đóng vai trò phục vụ.”

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại “nhận thức của xã hội đối với vị thế của nhà giáo” để quay trở lại với những giá trị truyền thống của dân tộc đối với vị thế nhà giáo. Mở cửa, hội nhập, thực hiện giáo dục hiện đại không có nghĩa là phủ nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp về giáo dục và nhà giáo mà đã tồn tại ở xã hội Việt Nam cả trăm năm. Trong đó cần phải luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tương đồng với giá trị truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể của Việt Nam. Những quy định mà là một trong các nguyên nhân làm thầy/cô bất lực với những học trò hư và giáo viên chỉ còn cách im lặng thì cần phải xem xét và sửa đổi. Khi không có kỷ luật nghiêm khắc, bạo hành học đường cũng khó chấm dứt. .

5. Những kiến nghị

Như đã phân tích một số vấn đề về xây dựng văn hóa nhà trường ở phần 4, ở đây tác giả xin đưa ra một vài kiến nghị chính sách liên quan trực tiếp đến những nội dung đã phân tích.

Đối với Chính phủ:

Cải tiến chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhà giáo. Chính sách tiền lương của nhà giáo cần được thể chế thành văn bản riêng và tương xứng với đặc thù của ngành có vị trí đặc biệt theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt cá nhân cho nhà giáo, nhất là nhà giáo vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh. Hỗ trợ các điểm trường, trường học ở các vùng điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn các nhu cầu tối thiểu, như: sách giáo khoa, sách tham khảo, hạ tầng internet... . Việc thiếu thốn các điều kiện đáp ứng nhu cầu cá nhân trong điều kiện mức sống cơ bản được nâng cao làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà giáo nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung như đã phân tích. Do đó, nâng cao đời sống cho giáo viên qua chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác nhằm hai mục đích, đó là: (1) khẳng định và nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay; (2) tạo động lực làm việc, giúp đội ngũ nhà giáo toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, thúc đẩy các nhu cầu cao hơn (nhu cầu công hiến, nhu cầu cao nhất trong 5 nhu cầu của Bậc thang nhu cầu của Maslow). Đây là hai yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

·        Cần có các văn bản hướng dẫn về mục đích và mục tiêu của việc phát triển văn hóa nhà trường phù hợp với nội dung đổi mới và cải cách giáo dục trong giai đoạn mới. Mỗi trường học có mỗi đặc thù khác nhau và phụ thuộc vào tình hình thực tiễn và bối cảnh xã hội địa phương để xây dựng văn hóa nhà trường của riêng mình. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng “văn hóa nhà trường tích cực” là mục tiêu chung và có các đặc điểm chung cơ bản đổi với mỗi trường học. Vì vậy cần có những quy định chung nhằm hướng dẫn tổ chức thực hiện, ví dụ: ban hành sổ tay hướng dẫn xây dựng văn hóa nhà trường tích cực;  Quy định về cách thức hoạt động của các tổ/nhóm chuyên môn để hình thành văn hóa tích cực nhằm góp phần ứng dựng các phương pháp sư phạm mới; Hướng dẫn thử nghiệm vai trò mới cho người lãnh đạo/quản lý nhằm thực hiện chức năng lãnh đạo chuyên môn để hỗ trợ giáo viên; Quy định vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo trong việc thiết lập và duy trì văn hóa nhà trường tích cực. Để làm được việc đó thì hiệu trưởng và nhà trường được giao quyền tự chủ nhiều hơn, bớt phụ thuộc vào “mệnh lệnh” của các cấp quản lý; tăng cường trách nhiệm giải trình đối với xã hội và đối với các cơ quan quản lý cấp trên; cần có cơ chế lựa chọn nhân sự để tìm ra được lãnh đạo nhà trường thực sự năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới và cơ chế đó phải bảo vệ được những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

·        Chỉ đạo, đặt hàng các tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp đầy đủ bằng chứng khoa học trong quá trình xây dựng các văn bản luật và các văn bản chỉ đạo để phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục đồng thời phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa của Việt Nam nói chung và văn hóa nhà trường nói riêng. Ví dụ các văn bản quy định về vai trò và trách nhiệm của giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và quyền hạn của giáo viên trong thực hiện quản lý, điểu chỉnh hành vi và kỷ luật học sinh. Có rất nhiều ý kiến trái chiều trong các văn bản mới quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng quy định mới “nhân văn hơn”, theo đúng tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em năm 2016. Nhưng khi thực hiện trong thực tiễn của bối cảnh văn hóa Việt Nam thì nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu giáo dục, những người làm quản lý giáo dục và của đội ngũ nhà giáo cho rằng quy định mới đã “tước đi vị thế” và quyền hạn của giáo viên trong giáo dục học sinh và không phù hợp với văn hóa thứ bậc của xã hội Việt Nam và các giá trị truyền thống “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”, những giá trị văn hóa mà đã giúp giáo viên làm tốt hơn công tác giáo dục của mình. Hình 1 là một ví dụ của giáo viên khi tranh luận về đề tài này.

         

Đối với Hiệu trưởng

Hiệu trưởng là người tạo dựng văn hóa nhà trường, vì vậy phải là người chủ động đễ dẫn dắt và chỉ đạo cả tập thể nhà trường hướng đến và xây dựng văn hóa nhà trường tích cực. Mỗi trường có một đặc thù riêng, tuy nhiên những đặc điểm sau một người hiệu trưởng cần xem xét thực hiện nhằm lãnh đạo phát triển văn hóa nhà trường tích cực:

·        Xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, cùng cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau; mọi người đều được coi trọng và tôn trọng, được khuyến khích và tạo điều kiện để có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình; xây dựng nhà trường trở thành một “ngôi nhà chung” để mọi người đều cảm thấy mình là một thành viên có trách nhiệm để xây dựng ngôi nhà chung đó. Xây dựng văn hóa nhà trường để ở đó học sinh được yêu thương, được quan tâm chăm sóc nhưng không đồng nghĩa với nuông chiều; môi trường văn hóa mà ở đó các em hiểu và thực hiện đúng vị trí và nghĩa vụ của học sinh, được khuyến khích bày tỏ chính kiến, sáng tạo những không đồng nghĩa với là “tự do vô tổ chức”.

·        Nêu gương là nhiệm vụ của những người thực hiện vai trò lãnh đạo. Hãy làm cho các thành viên trong nhà trường biết mình đang làm việc với cương vị là một hiệu trưởng, đầy nhiệt tâm, luôn trách nhiệm và đầy tình yêu thương học trò. Thực hiện bầu không khí dân chủ nhưng vẫn phải giữ kỷ cương, nền nếp, “trên ra trên, dưới ra dưới”, thực hiện đúng vai trò của xã hội, tổ chức phân công.

·        Hiệu trưởng cần biết chia sẻ quyền lực, trao quyền cho giáo viên trong đó đề cao vai trò lãnh đạo hoạt động dạy và học của giáo viên và thực hiện các nội dung đổi mới giáo dục; trau dồi kỹ năng giao tiếp, lắng nghe tất cả mọi người.

·        Hiệu trưởng là nhân tố dẫn dắt đổi mới. Vì vậy bản thân mình phải là người tiên phong đổi mới, sử dụng vai trò “lãnh đạo chuyên môn” để hỗ trợ đội ngũ giáo viên thực hiện đổi mới. Trong một xã hội biến động và phát triển liên tục, không đổi mới đồng nghĩa với tụt hậu, vì vậy đổi mới chính là phát triển và nâng cao uy tín của mình trong nhà trường.

6. Kết luận

Văn hóa nhà trường tích cực tạo nên giá trị đạo đức, các chuẩn mực chung, các sắc thái truyền thống đặc sắc của nhà trường đó và có vai trò điều chỉnh hành vi, hướng đến những giá trị tốt đẹp cho toàn bộ một tập thể, là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Khi được học trong một môi trường văn hóa tích cực, học sinh không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em là niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện và sống có lý tưởng. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa nhà trường tích cực là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của những người làm chính sách, của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động của từng nhà trường trong đó hiệu trưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng đễ dẫn dắt và tạo dựng.

Mục đích cuối cùng của việc xây dựng văn hóa nhà trường tích cực, như Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ đã xác định, “nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” [3].

   (Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 do Uỷ ban Văn hoá Giáo dục (Quốc Hội) tổ chức)

 

 

 
Đang trực tuyến: 80
Tổng lượt truy cập: 7190722
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }