A A+
Nhạc khúc hồi sinh nghề dệt thổ cẩm
[ Ngày đăng: 06/09/2012 3:39:55 SA, lượt xem: 764 ]

Nhiều đời nay, phụ nữ bản Ka Lu (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) sở hữu một loại "nhạc cụ" ngợi ca sự sức sồng của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đó là hàng chục chiếc khung cửi "tấu" khúc nhạc khi lách cách reo vui, lúc kẽo kẹt tâm tình.

 

Tiếng khung cửi rộn ràng vang khắp bản Ka Lu dẫu những vệt nắng cuối ngày vội vàng đổ xuống. Bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm là tình yêu, nguồn sống của phụ nữ nơi đây. Họ "say chất men thổ cẩm" chẳng đơn thuần xuất phát từ lợi ích kinh tế, mà bắt nguồn ở quyết tâm giữ nghề cha ông truyền lại.

 

Chị Hồ Thị Lan say sưa dệt thổ cẩm

Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với người Vân Kiều ở bản Ka Lu từ ngàn xưa. Đến giờ, bậc cao niên vẫn cười hồn hậu khi ai đó tò mò hỏi: "Nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ?". Bà Hồ Thị Ba Lai (một người già trong bản) chia sẻ: “Lúc cái tai phân biệt được âm thanh, người Vân Kiều đã nghe tiếng khung cửi. Hình ảnh mẹ say sưa dệt thổ cẩm in dấu rất sớm trong tiềm thức lũ trẻ”. Có lẽ vì thế, "chất men" thổ cẩm nhanh chóng ngấm sâu vào lòng dân bản. Trẻ em người Vân Kiều sớm tiếp xúc với tấm thổ cẩm. Lớn lên ít tuổi, chúng lại được hướng dẫn cách xe tơ, nhuộm màu, dệt vải... Vốn nghề cũng chính là "của hồi môn" bà và mẹ dành cho thiếu nữ trước khi về nhà chồng. Có thể nói nghề được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên.

"Phụ nữ bản mình hầu như ai cũng biết dệt. Khoảng 13 tuổi là lũ trẻ đã ngồi vào khung cửi rồi. Như vợ mình đấy, gần 50 nhưng ngày nào cũng dệt dăm ba tiếng đồng hồ. Không thì khó chịu lắm hay sao ấy?" - Ông Kôn Khiêm hướng ánh mắt âu yếm nhìn người vợ đang say sưa xe chỉ. Ý tứ gật đầu chào khách, bà Hồ Thị Đơn nhẹ nhàng cho biết: "Sau khi xe xong, chỉ được đưa vào khung để dệt. Trải một quá trình dài, lắm công phu; sợi chỉ này mới biến thành tấm thổ cẩm. Dệt và thêu hoa văn cho một chiếc khăn mất chừng 2 ngày, dệt áo tầm 4 ngày, dệt váy mất khoảng 6 ngày cơ đấy!". 

Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Chỉ một đường tơ sai, tấm thổ coi như cẩm hỏng. Thế nên, chẳng phải ai cũng có thể sống trọn đời với nghề. Khâu thêu hoa văn đòi hỏi sự kỳ công đặc biệt. Vừa nghiên cứu hoa văn mới, chị Hồ Thị Lan vừa tâm sự: "Mỗi khâu trong việc dệt thổ cẩm đều cần sự tinh nhạy. Thế mới nói chỉ ai có chí kiên trì, cái đầu sáng, bàn tay khéo léo... mới bám trụ được với nghề". Chị Lan cũng cho biết thêm: nhiều người ở các bản làng khác đã đến nhờ chị truyền nghề. Tuy nhiên, phần đông đều "bỏ cuộc chơi giữa chừng". Vậy mà, nhiều em bé ở bản Ka Lu lại theo nghề một cách tự nhiên. Các em bắt chước bà và mẹ, rồi nhanh chóng "kết bạn" với thổ cẩm.

Trước đây, người Vân Kiều ở bản Ka Lu gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đơn thuần xuất phát từ ý thức giữ nghề truyền thống. Tấm thổ cẩm dù đẹp đến đâu cũng quẩn quanh ở chốn núi rừng miền tây. Khi con đường thông thương giữa miền xuôi và miền ngược xuất hiện, rồi cửa cơ chế thị trường rộng mở, sự bó khung đó lại là nguy cơ. Sản phẩm dệt may trên thị trường hiện đã đến tay dân bản với giá rẻ, sự tiện lợi... Trong khi đó, đầu ra cho nghề dệt thổ cẩm của người Vân Kiều vẫn là bài toán hắc búa.

Sống trong buổi khó khăn, tình yêu nghề của phụ nữ bản Ka Lu vẫn bền bỉ. Không "lặng lẽ xếp thổ cẩm lên chái bếp", chị em vừa bám trụ vừa tìm đường cứu nghề. Lớp trẻ hờ hững với nghề bao nhiều thì các nghệ nhân lại đau đáu "giữ nét tinh hoa văn hóa dân tộc" bấy nhiêu. Chị Hồ Thị Thông tâm sự: "Thổ cẩm của người Vân Kiều là tinh hoa ngàn năm. Thế nên, chị em mình quyết tâm không để đánh mất nghề. Thực sự không ai muốn con cháu sau này bị mất gốc".

Chị Hồ Thị Đơn vui vẻ xe chỉ bên cạnh chồng

         Chung suy nghĩ ấy, nhiều phụ nữ bản Ka Lu lần hồi tìm đường cứu nghề. Các chị nỗ lực sáng tạo nhiều tấm thổ cẩm vừa tinh xảo vừa đậm đà bản sắc dân tộc Vân Kiều. Sau đó, những "tấm thổ cẩm vàng mười" này được họ đem đến các phiên chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại... để giới thiệu. Bước đi sơ khai ấy đã giúp thổ cẩm của chị em đến tay khách hàng.

Nỗ lực và ước vọng giữ nghề của chị em chóng chày được chính quyền địa phương thấu hiểu. Các lớp dạy nghề nghề dệt thổ cẩm bắt đầu xuất hiện. Ở đây, học viên được tặng khung cửi, chỉ dệt... Thầy cô giáo còn hướng dẫn cách dệt các trang phục mới lạ, hoa văn độc đáo... Sau khóa học, các sản phẩm thổ cẩm đẹp nhất được tinh chọn, tham dự Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức tại Hà Nội, tiếp cận với trung tâm Craft  Link - một tổ chức hợp tác về tiểu thủ công nghiệp hỗ trợ cho các nghệ nhân để sản xuất và tiêu thụ hàng thổ cẩm... Nhờ thế, "tiếng thơm" về thổ cẩm Vân Kiều ở bản Ka Lu ngày càng vang xa. Đặc biệt, khu du lịch cộng đồng thôn Ka Lu ra đời năm 2009 là nền tảng giúp nghề dệt thổ cẩm thêm khai hoa.

Nghề dệt thổ cẩm đã giúp chị Hồ Thị Hoan có thêm thu nhập để nuôi con ăn học

Nụ cười đã chúm chím nở trên môi phụ nữ bản Ka Lu khi những đoàn khách du lịch bắt đầu dừng chân ở bản để hỏi mua thổ cẩm. Dẫu lượng khách ban đầu chưa nhiều, nhưng đó là tín hiệu khả quan. Một nghệ nhân luống tuổi xúc động giãi bảy: "Xưa nay, sản phẩm thổ cẩm ở bản mình chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Lớp người đi trước sống với nghề đơn thuần bởi tình yêu thôi. Nhưng, không thể sống mãi như thế được. Thật vui khi nghề dệt thổ cẩm đã tìm thấy... nguồn sống". Bám trụ với nghề, phụ nữ bản Ka Lu giờ có thêm một đồng vào, đồng ra sau buổi nắng cháy lưng nương. Chị Hồ Thị Hoan bộc bạch: "Chồng mất, một mình em nuôi ba đứa con nhỏ. Nhờ nghề dệt thổ cẩm mà em mới kiếm được cái ăn, cái mặc nuôi con khôn lớn".

Những tín hiệu vui ban đầu càng mở lối cho tình yêu thổ cẩm của phụ nữ bản Ka Lu. Bàn tay xe chỉ, dệt vải của các chị dường như nhanh hơn. Họ cũng chăm chỉ học tập, thỏa sức sáng tạo. Đặt những sản phẩm "vừa ra lò" trước mắt, chị Hồ Thị Đơn chia sẻ: "Ngoài dệt váy áo, chị em mình còn dệt thổ cẩm để làm ví, khăn, dây cột tóc, túi để điện thoại... Mình rất vui khi được sáng tạo nhiều đường nét, hoa văn độc đáo như: hình ảnh chim lạc, nhà sàn, người giã gạo...".  Hiện tại, các thanh niên trẻ cũng rạo rực tin tưởng hơn về nghề. Cô gái trẻ Hồ Thị Bút tâm sự: "Học dệt thổ cẩm chưa lâu, nhưng mình thích lắm. Mỗi khi thấy tấm vải đã thành hình, nghe tiếng thoi đưa lách cách hay sáng tạo ra một hoa văn đẹp mắt... là em hạnh phúc lắm".

Đến bản Ka Lu bây giờ, nhiều sẽ lầm tưởng tiếng kẽo kẹt, lách cách của khung cửi với âm thanh nhạc cụ. "Bản đồng ca" của hàng chục chiếc khung cửi làm việc suốt ngày đêm khiến không khí bản làng như ấm cúng hơn. Hy vọng các cấp chính quyền sẽ vạch ra hướng đi lâu dài, hoạch định thêm các dự án khả thi... để "bản đồng ca khung cửi" ở bản Ka Lu vang lên rộn rã.

                                                                            Nguyễn Thị Thu Chi

                                                                    Trung tâm NCVHTV Sông Mêkong

 
Đang trực tuyến: 41
Tổng lượt truy cập: 7185051
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }