A A+
Vận dụng nội dung cải cách hành chính nhà nước vào công tác quản lý trường phổ thông
[ Ngày đăng: 02/12/2013 2:06:00 CH, lượt xem: 4823 ]

Nền hành chính nhà nước (HCNN) là thước đo quan trọng sự phát triển của một quốc gia. Ở các nước có trình độ phát triển cao, nền HCNN tiên tiến, hiệu lực, hiệu quả, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cải cách nền HCNN phù hợp sự phát triển của thời đại là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước ta hiện nay.

 

Ngày 08/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về việc Ban hành Chương trình tổng thể cải cách HCNN giai đoạn 2011-2020 là cơ sở cho hệ thống cơ quan trong nền HCNN tiến hành cải cách, đổi mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, chương trình đề cập đến những nội dung trọng tâm như sau:

- Cải cách thể chế;

- Cải cách thủ tục hành chính;

- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

- Cải cách tài chính công;

- Hiện đại hóa hành chính.

Dựa vào những nội dung đã được đề ra, các cơ quan trong bộ máy nhà nước tiến hành thực hiện cải cách hành chính. Trong phạm vi quản lý nhà trường phổ thông, để thực hiện cải cách hành chính, có thể nêu lên các biện pháp như sau:

1.  Tăng cường thể chế trong hoạt động quản lý nhà trường:

Thể chế trường phổ thông là một hệ thống gồm: Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành tạo nên hành lang pháp lí cho hoạt động quản lý nhà trường, bao gồm các văn bản cơ bản sau: Luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật viên chức, Luật thi đua khen thưởng, Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; Điều lệ nhà trường; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học; Quy chế dân chủ cơ sở;...

Để tăng cường thể chế trong hoạt động quản lý nhà trường, cần thực hiện các nội dung cơ bản sau:

- Nâng cao nhận thức về công tác thực hiện thể chế trong trường học;

- Tiến hành hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát lại những văn bản nhằm phát hiện, loại bỏ những văn bản không còn hiệu lực pháp luật. Phổ biến và thực hiện ngay những văn bản mới ban hành;

- Tổ chức cho cán bộ, viên chức trong toàn trường được tham gia học tập, nghiên cứu các văn bản luật, văn bản dưới luật, các nghị quyết của Đảng, các tài liệu liên quan tới vấn đề thể chế trong nhà trường;

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật viên chức, Luật Giáo dục, Điều lệ nhà trường, các văn bản của Bộ GD-ĐT về chương trình, sách giáo khoa, quy chế thi tốt nghiệp, quy chế tuyển sinh, quy chế kiểm tra đánh giá, vấn đề quản lí văn bằng chứng chỉ v.v...

- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn đối với cán bộ, giáo viên trong trường. Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật trong nhà trường: xử lý nghiêm minh các vi phạm đối với tất cả cán bộ, nhân viên, giáo viên.

- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động thực hiện thể chế hành chính, đồng thời có độ khen thưởng, kỉ luật kịp thời.

2. Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý nhà trường:

Thủ tục hành chính là thao tác quan trọng trong quản lý nhà nước.Trong nhà trường phổ thông, thủ tục hành chính là sự thiết lập các thao tác quản lý theo những trình tự, qui trình nhất định, để cải cách thủ tục hành chính trong nhà trường cần thực hiện các nội dung:

- Trên cơ sở hệ thống thể chế giáo dục để xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các văn bản nội bộ như: Quy chế tổ chức và hoạt động nhà trường, kế hoạch giáo dục,...

- Quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ;

- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các văn bản hành chính theo quy định của pháp luật;

- Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp;

- Mẫu hóa thống nhất trong toàn trường các loại sổ sách, văn bản theo đúng thể thức để các thành viên trong nhà trường quản lý và theo dõi;

- Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của CBGV, cha mẹ học sinh, các tổ chức theo đúng quy trình đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả.

- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hồ sơ và lưu trữ văn bản;

3. Chấn chỉnh tổ chức bộ máy nhà trường:

Cơ cấu tổ chức bộ máy trường phổ thông bao gồm: hệ thống lãnh đạo và quản lý nhà trường; các hội đồng trong nhà trường; hệ thống các tổ chuyên môn; hệ thống các tổ chức phối hợp,...

Thực hiện công tác tổ chức trong nhà trường cần chú trọng các nội dung:

- Căn cứ Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Điều lệ nhà trường,... để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường, của từng tổ chức, cá nhân trong nhà trường.

- Quy định rõ cơ chế phân công, phối hợp giữa các tổ chức trong nhà trường trên cơ sở các nhiệm vụ đã được giao cho từng chức danh viên chức, từng tổ chức của trường để nhà trường hoạt động có hiệu lực, hiệu quả;

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện tốt các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại điều lệ nhà trường;

- Hiệu trưởng tiến hành thành lập các tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo điều lệ nhà trường;

- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa trách nhiệm Hiệu trưởng với cán bộ, nhân viên, giáo viên theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc giải quyết các mối quan hệ hành chính - sư phạm.

- Xây dựng cơ chế phối kết hợp thống nhất giữa môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

- Xác lập cơ chế phân phối, cộng tác chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trong bộ máy theo nguyên tắc:

+ Đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong nhà trường.

+ Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và kết hợp chế độ thủ trưởng.

- Kết hợp tốt các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

- Bố trí cán bộ, giáo viên theo đúng quy định của Điều lệ nhà trường về trình độ được đào tạo của giáo viên.

4. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường:

Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nhà trường. Để thực hiện nội dung này, người hiệu trưởng cần phải:

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ;

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực sở trường của cán bộ, giáo viên, nhân viên;

- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở các định nhu cầu, nội dung, mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ, từ đó xác định các hình thức bồi dưỡng phong phú, hiệu quả như:

+ Tự học, tự bồi dưỡng;

+ Hỗ trợ chuyên môn;

+ Tổ chức bồi dưỡng theo định kì;

+ Đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng.

-  Chăm lo đời sống đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm cho đội ngũ. Vận dụng tốt các chế độ thu hút, đãi ngộ để duy trì và thúc đẩy động cơ làm việc của đội ngũ CB, GV, NV trong nhà trường;

- Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra đánh giá đội ngũ, có chế độ khen thưởng, kỉ luật hiệu quả.

5. Đổi mới công tác quản lý tài chính ở nhà trường phổ thông:

Công tác quản lý tài chính trong nhà trường bao gồm các công việc chính sau đây:

- Lập kế hoạch tài chính và dự toán;

- Xây dựng cơ cấu tổ chức quản lí tài chính trong nhà trường;

- Điều hành hoạt động tài chính trong nhà trường bao gồm việc huy động các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước bảo đảm dủ nguồn kinh phí cho hoạt động của nhà trường; xây dựng quy chế thu, chi nội bộ; tổ chức thực hiện hoạt động thu chi trong nhà trường đảm bảo dúng luật, công bằng, công khai, minh bạch; bảo các điều kiện làm việc cho kế toán, thủ quỹ nhà trường, đồng thời lưu ý việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho kế toán và thủ quỹ; bảo quản tài liệu kế toán trong nhà trường.

- Kiểm tra tài chính là một biện pháp bảo đảm cho các qui định về kế toán và các kỷ luật tài chính được chấp hành nghiêm chỉnh, các số liệu tài liệu được ghi chép chính xác, trung thực và có hệ thống. Kiểm tra phải đi kèm phân tích đánh giá nhằm tìm ra những ưu khuyết điểm, những khó khăn trở ngại và những việc làm nào có hiệu quả để có hướng sử dụng các nguồn kinh phí đạt hiệu quả hơn, bảo đảm công tác quản lý tài chính diễn ra đúng luật, công bằng, công khai minh bạch phục vu có hiệu quả hoạt động giảng dạy và giáo dục trong nhà trường.

Đổi mới hoạt động quản lý tài chính ở trường phổ thông cần được thực hiện theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong đó chú trọng các nội dung sau:

- Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo qui định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006  của Chính phủ, hướng dẫn các đơn vị xây dựng đầy đủ qui chế chi tiêu nội bộ để tăng cường quản lý và điều hành thu chi tài chính của mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo đúng qui định của pháp luật, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các qui định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Không được thu những khoản phí, lệ phí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công khai việc sử dụng các khoản phí và lệ phí để người học và nhân dân giám sát, tránh gây thắc mắc trong dư luận.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và thực hiện công khai tài chính. Thực hiện công khai tài chính trong nhà trường theo đúng qui định tại Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện qui chế công khai tài chính đối với đơn vị dự toán ngân sách và tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và Thông tư số 10/2005/TT-BTC ngày 02/02/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện qui chế công khai tài chính đối với việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

6. Hiện đại hóa công tác quản lý nhà trường:

Quản lý giáo dục qua mạng Internet đã trở thành xu hướng tất yếu của giáo dục và đào tạo hiện nay. Trong phạm vi quản lý nhà trường cần từng bước hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của mạng thông tin điện tử hành chính trong nhà trường. Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của nhà trường, các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan, bao gồm:

- Xây dựng phần mềm để tính điểm, quản lý  giáo viên, quản lý học sinh, sắp thời khóa biểu, quản lý tài chính…

- Xây dựng các phần mềm tổng thể, kết nối các phần mềm riêng lẻ triển khai trên mạng cục bộ của trường học (LAN).

- Chuyển các phần mềm ứng dụng tổng thể qua môi trường mạng Internet, giao diện Web, CSDL tập trung theo mô hình Client/Server.

Hiện nay, đổi mới công tác quản lý giáo dục được các nhà hoạch định chính sách đánh giá là giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp cận đổi mới công tác quản lý nhà trường dựa trên các nội dung cải cách hành chính cho phép nhà quản lý có cách nhìn hệ thống và toàn diện trong hoạt động quản lý nhà trường.

                                                                                            

 Trần Hải

 * Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Sỹ Anh.Quản lý giáo dục qua mạng internet một xu hướng tất yếu của giáo dục và đào tạo trong xu hướng mới. http://www.quangtri.edu.vn

[2]. Trần Kiểm (2004), Khoa học quản lý giáo dục, một số vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB giáo dục, Hà Nội.

[3]. http://www.caicachhanhchinh.gov.vn

 

 

 

 

 
Đang trực tuyến: 71
Tổng lượt truy cập: 7191964
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }